Cà phê và chanh, đá. Tại sao không?

Sau khi upload một đoạn video ngắn mô tả về quá trình pha chế cà phê với aeropress và đá, chanh, một số bạn đã comment và hỏi thăm về kiểu pha chế này cũng như nhiều người thấy lạ lẫm về việc “mix” cà phê với chanh. Để trả lời cho những thắc mắc này, tôi xin giải thích qua bài viết một cách cụ thể dưới đây, hy vọng sẽ giúp bạn có thêm một thức uống “giải khát” cho ngày hè nóng nực.

Thành phẩm, sẵn sàng cho bạn thưởng thức.

Đầu tiên là tôi ít khi pha chế bằng aeropress, có lẽ bởi những dụng cụ xay cà phê bằng tay ở nhà chưa “xịn” lắm để xay ra cà phê mịn phù hợp với aeropress, và một phần là cá nhân tôi thích drip hơn. Mặc dù vậy, khi bạn có trong tay một chút cà phê rang đậm (dark roasted), và không muốn uống cái vị đắng của nó khi pha drip thì aeropress là một lựa chọn tối ưu. Thêm nữa, vì không xay cà phê mịn (medium fine) nên với aeropress, tôi chọn phương pháp up-side-down (bạn tư Google nhé, sẽ có một bài khác giới thiệu về những cách pha aeropress của tôi).

Tiếp theo là việc biến tấu như thế nào với cà phê pha từ aeropress. Bạn có thể cho đá, thật nhiều đá cũng được vì với tỷ lệ pha chế tôi hay dùng cho aeropress (2.5 – 3.0 nếu uống đặc thay cho espresso và 11 – 12 nếu uống bình thường) thì cà phê cũng sẽ đậm hơn. Cà phê pha chế từ aeropress có vị sẽ “lạ” hơn nhiều so với pha chế drip (như pour over với V60 hoặc Kalita wave). Sẽ có một chút đắng, một chút thơm ngậy (do áp suất tạo ra) và ngọt dịu của “full immersion”. Và khi tôi sử dụng dark roast, tôi muốn có thêm cho mình một chút vị chua thanh của cam, chanh hay bưởi đào nữa. Vị chua như thế nào cũng tuỳ thuộc vào khẩu vị của mỗi người.

Aeropress với vài lát chanh vàng.

Có nhiều người sẽ nói rằng “chẳng ai cho chanh vào cà phê”. Điều này đúng là lạ lẫm với nhiều người nhưng thực ra cũng không có gì là mới mẻ. Chanh hoặc vỏ chanh được dùng cùng với cà phê đã được nhắc đến từ lâu như một trong những phương pháp để cải thiện sức khoẻ như điều trị đau đầu hoặc “hy vọng” giúp người dùng giảm cân. Tuy nhiên, mục đích của chúng tôi không gì khác ngoài việc thêm một chút vị chua từ acid tự nhiên vào cà phê của mình, và nó đúng là để dành cho giải khát.

Công thức?

Nếu bạn tò mò, bạn có thể thử làm theo cách của Seed to my soul theo các bước như sau:

  1. Chọn loại cà phê dark roasted (rang đậm). Tôi dùng cà phê Costa rica, rang đậm.
  2. Xay ở mức medium coarse dành cho pour over.
  3. Dùng 17gr cà phê với 1:12 (bạn có thể dùng tỷ lệ 1:11 để rót vào 187gr nước nhưng vì một phần nước sẽ được giữ lại trong bột cà phê nên tôi chọn 1:12 để rót vào 204gr nước.
  4. Rót làm 3 lần: lần thứ nhất 40gr nước để blooming, lần thứ hai với 100gr nước và lần thứ 03 rót nốt lượng nước còn lại sao cho lượng nước đo trên cân đạt 204gr.
  5. Dùng 1 ly  thuỷ tinh đủ lớn, cho nhiều đá viên và một vài lát chanh vàng.
  6. “Press” thẳng cà phê vào đó trong vòng 5-7 giây.

Vậy là bạn có thể thưởng thức một ly “cà phê đá chanh” với đủ vị đắng nhẹ, ngọt dịu, chua chua và mát lạnh.

Processed with VSCO with a6 preset

Pha chế bằng phương pháp “up – side – down”

Lưu ý

Cách thức pha chế khá là đơn giản phải không? Tuy nhiên, có một số điểm bạn cần lưu ý để món ‘cà phê đá chanh” có thể uống được mà không phải đổ đi, cụ thể như sau:

  • Bạn bắt buộc phải có cà phê ngon. Arabica loại ngon, cà phê không “xịn” thì không có nhiều hương vị để pha trộn với các yếu tố bên ngoài như đá lạnh, chanh/cam.v.v..
  • Dùng cà phê dark roast (vì cà phê rang nhạt đã có sẵn độ chua rồi)
  • Tôi sử dụng chanh vàng chứ không dùng chanh màu xanh, bởi chanh vàng thơm hơn, độ chua không bị gắt. Bạn có thể thử với bưởi (loại bưởi pormelo nhỏ) hoặc phổ biến hơn là cam (loại cam màu vàng).
  • Cà phê không nên xay mịn (medium-fine) vì nếu không độ chua của chanh/cam kết hợp với độ chua của cà phê chiết suất ra khiến bạn không uống nổi.
  • Sau khi pha xong, hãy chờ một lúc. Bạn có thể nếm thử ngay nhưng chắc chắn vị cà phê và vị chua của chanh/cam (có cả vị đắng của vỏ chanh/cam khi gặp nước nóng) sẽ làm bạn cảm thấy hơi gắt, khó uống.

Hãy chờ một lúc, cho cà phê nguội đi, và đá tan ra, mùi thơm của cà phê và vỏ chanh/cam dậy lên thì cũng là lúc bạn có thể thưởng thức một cách ngon nhất.

Sau cùng, hãy nhớ đừng dùng nước quá nóng, vì nước quá nóng sẽ làm vị đắng từ vỏ chanh/cam tiết ra nhiều hơn, lấn át mất vị cà phê của bạn. Khi ấn piston xuống (trong aeropress gọi là plungger) thì ấn nhanh hơn một chút, 5-7 giây thay vì 10 giây như sách vẫn dạy. Hoặc nếu như bạn không thích kiểu uống “mix” như thế này thì cũng không sao cả, bản thân tôi cũng thích “drip” hơn, nhưng giữa những ngày hè nóng nực như thế này, tại sao ta không thử?

Chúc bạn thành công!.

Hà Nội, tháng 07/2018

 

Ghi chú

Tham khảo:

One comment

  1. Hay quá anh ơi, còn nhiều bạn lạ lẫm tò mò hoặc kèm phấn khích, hiếm có ai dành thời gian viết về các trải nghiệm thú vị với cà phê như anh, mà về Aeropress trong các bài viết Việt Nam còn hiếm hoi hơn nữa. (cho bạn nào chưa biết về Aeropress https://bit.ly/2LkJ4E8 ). Cám ơn anh và cộng sự justiamo.!

Leave a Reply

Discover more from Seed to my soul

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading