Bạn đang đọc những tạp chí cà phê nào?

Trong bất cứ lĩnh vực nào mà chúng ta tham gia, dù lĩnh vực đó lớn hay nhỏ, chúng ta cũng luôn tìm kiếm nguồn cảm hứng, tìm kiếm cộng đồng những người có chung sở thích và điểm đến thường thấy là những tạp chí chuyên ngành. Với một ngành đặc thù như cà phê, chúng ta nên tìm đọc những tạp chí nào? hiện nay trên Thế Giới những người yêu cà phê đang đọc nội dung gì hàng tháng? và những tạp chí cà phê nào đang “hot” nhất hiện nay? cũng như chúng được xây dựng ra sao? Bài viết này tôi sẽ chia sẻ về những tạp chí mà tôi biết, để một lúc nào đó, trên hành trình du lịch của bạn, bạn có thể bắt gặp, mua lấy 1 cuốn, rồi mang về nhà như một món quà đặc biệt.

Quay trở lại thời gian cách đây 1-2 năm, khi vẫn đang mò mẫm tìm tòi tài liệu về cà phê, tôi tự hỏi: Ngành cà phê tồn tại lâu đến vậy, chắc hẳn sẽ phải có nhiều tạp chí về nó? Ấy vậy mà thực tế thì ngược lại, càng cố gắng tìm kiếm, thì cái mà tôi thu được chỉ là những blog cà phê nhiều vô tận của các hãng bán thiết bị cà phê, hoặc của các roastery mà thôi. Điều này thật khó lý giải, nhưng có lẽ trước khi “làn sóng thứ 3” của cà phê trỗi dậy, thì việc cà phê gắn liền với “slow living style” hoặc với “art” vẫn còn xa vời, ngày trước, đa phần là sự thống trị của espresso field hoặc cà phê hoà tan mà thôi.

Tạp chí Standart, một trong những ấn phẩm về cà phê hot nhất hiện nay

Trong quá trình mò mẫm, thật may là cũng có một số tạp chí dần nổi lên và chiếm lĩnh xu thế của những người yêu “specialty coffee”. Bản thân đội ngũ seed to my soul cũng mới tiếp cận nhiều nhất với Standart và hy vọng trong thời gian tới, sẽ có nhiều tạp chí hơn nữa trong bộ sưu tập của mình. Sau đây là một số tạp chí mà bạn nên “follow” và tìm đọc

Standart Magazine

Xuất xứ ở Đức và đang là tạp chí hot nhất hiện nay. Một năm thường có 3-4 số (còn gọi là issue) và bán khá rộng rãi. Ở Việt Nam chưa có đại lý chính thức, do vậy, mỗi khi muốn mua, tôi thường phải qua Bangkok và gần đây là Taipei để mua về. Tạp chí được trình bày khá đẹp, ít quảng cáo, chủ đề tập trung vào barista, các roastery, nhân vật tiêu biểu, sustainability coffee (cà phê bền vững) v.v.. Nếu bạn mua tạp chí standart từ chính hãng, thì mỗi số thường được tặng kèm 1 gói cà phê sample để thử.

Website: https://standartmag.com/

  • Giá bán: 11 Euro (chưa tính ship)
  • Ngôn ngữ: có 2 phiên bản: Tiếng Anh và Tiếng Nhật ( chỉ bán ở thị trường Nhật Bản và có nội dung riêng )
  • Loại giấy: bìa cứng.

Solo Magazine

Đây là tạp chí mới nổi, mới ra đến số thứ 3, và theo tìm hiểu thì được xuất bản tại Tây Ban Nha. Ưu điểm của Solo có lẽ là nội dung phong phú, một cuốn tạp chí thường khá dày và cả năm có khi mới có 1 số. Chính vì thế nên giá thành cũng nhỉnh hơn một chút.

Số mới nhất của tạp chí Solo, issue #3

Website: http://solomagazine.coffee/en/store

  • Giá bán: 15-50 Euro tuỳ số.
  • Ngôn ngữ: Tiếng Tây Ban Nha và Tiếng Anh
  • Loại giấy: bìa cứng

Caffeine

Đây là một tạp chí có từ khá lâu trên thị trường nhưng nội dung hơi “mỏng”. Xuất xứ từ UK, Caffeine in giấy bóng và mỏng, giống như những tạp chí về xe hơi hay thời trang ra hàng tháng. Tôi đã từng đọc qua Caffeine ở quán Nylon và cũng thấy nội dung không “sâu” lắm, ngoài ra lượng quảng cáo cũng khá nhiều.

Website: https://caffeinemag.com/

  • Giá bán: Khoảng 10$.
  • Ngôn ngữ: Tiếng Anh
  • Loại giấy: mềm, in bóng.

Roast Magazine

Đây là một tạp chí chuyên về coffee roasting và bản thân tôi cũng chưa mua bao giờ vì tôi chưa muốn tìm hiểu về rang cà phê mặc dù giá thành của tạp chí này không đắt. Ngược lại, cuốn sách “The book of roast” của họ cũng có giá khá đắt (125$/cuốn) và nội dung không được cộng đồng phản ảnh tích cực cho lắm. Xuất xứ của Roast ở Portland, thủ phù cà phê của nước Mỹ. Ưu điểm của Roast là ảnh chụp rất rất đẹp 😉 và chuyên nghiệp.

Roast-cover_Sept-Oct18
Tạp chí Roast Magazine

Website: https://www.roastmagazine.com/

  • Giá bán: Khoảng 7$ cho tạp chí và 125$ cho cuốn sách.
  • Ngôn ngữ: Tiếng Anh
  • Loại giấy: mềm, in bóng.

Drift Magazine

Tạp chí sau cùng mà tôi muốn giới thiệu là DRIFT. Cái tên cũng gắn với văn hoá cà phê và cũng chính là cách làm tạp chí của họ. DRIFT là một tạp chí ở Mỹ, và đi theo chủ đề localization, nghĩa là mỗi số của họ hướng về một quốc gia mà ở đó có văn hoá cà phê phát triển đặc biệt. Chính vì đi theo cách làm này, DRIFT sẽ mất nhiều thời gian để viết bài và biên tập hơn cũng như tốn công sức để “đi” tới các địa điểm để khảo sát hơn. Đổi lại, tạp chỉ của họ rất “chất” và giá cũng “chát” vô cùng. Đã có lần tôi định mua, hoặc nhờ bạn bè qua Australia mua nhưng vì giá quá cao nên tôi dừng lại, đành phải ưu tiên cho những cuốn sách cà phê với kiến thức mà mình đang cần hơn là tạp chí 🙂

Ảnh chụp một tạp chí DRIFT

Website: https://driftmag.com/

  • Giá bán: 24$ chưa thuế. Nếu mua ở Australia hoặc Thailand sẽ vào khoảng 40-50$, và nếu phải ship thì sẽ tốn thêm 20-30$ vì tạp chí khá nặng.
  • Ngôn ngữ: Tiếng Anh
  • Loại giấy: bìa cứng

Mặc dù giá bán rất cao nhưng DRIFT xứng đáng với cái “chất” của họ. Phong cách gần giống với các tạp chí đình đám như Cereal, Kinfolk và tông màu monochrome nhất quán tạo ra vẻ sang trọng. Cách làm tạp chí cà phê đi liền với “văn hoá” của từng địa phương cũng khiến người đọc hào hứng và tò mò hơn, bởi lẽ nếu chỉ để nói về cà phê thì cũng không có nhiều chủ đề để khai thác. Số lượng phát hành của DRIFT cũng rất hạn chế nên nếu không đặt mua sớm, bạn có thể sẽ lỡ mất các số đã phát hành.

Phew, trên đây là những tạp chí mà tôi nghĩ rằng, bạn nên đọc và nó phù hợp với “style” của seed to my soul. Trên thị trường cũng còn nhiều tạp chí khác như Coffee!, BeanScence, Coffee Lovers, vv… nhưng cá nhân tôi thấy nó chưa phù hợp với phong cách của mình (bao gồm cả ảnh và nội dung).

Tại sao tôi khuyên bạn nên tìm đọc những tạp chí này? Đơn giản là khi không có điều kiện đi nhiều nơi thường xuyên, thì những tạp chí này sẽ là cầu nối giúp bạn tìm hiểu về những người có cùng sở thích trên Thế Giới, những xu thế hiện nay, những câu truyện từ các trang trại, tới các barista ở các châu lục khác nhau cũng như các hương vị cà phê đã và đang được khám phá. Hy vọng rằng trong thời gian tới, tôi “gom” được nhiều tạp chí hơn để có thể review và chia sẻ nhiều hơn.

Hà Nội, tháng 09/2018

Ghi chú

  • Bài: tdbinh
  • Ảnh được lấy từ các tạp chí nêu trên.

3 comments

  1. Anh ơi! Anh đánh giá như thế nào về Coffee T&I Magazine ạ?. Em cũng muốn tìm hiểu về cafe và mong có nhiều kiến thức hơn mà thấy ở VN mình ít sách quá ạ 🙁

    1. binhtruong · · Reply

      Coffee T&I viet ko chuyen ve coffee em oi. Standart thuiii 🙂

  2. […] trước mình có viết một bài về các tạp chí cà phê, không biết bây giờ còn ai đọc không, còn mình thì chờ ngày ổn định cuộc […]

Leave a Reply

Discover more from Seed to my soul

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading