Có nên sở hữu dụng cụ Aeropress?

Ở nước ngoài, Aeropress là dụng cụ không thể thiếu trong mỗi chuyến đi của dân yêu thích và tìm tòi, khám phá về cà phê. Trong mỗi hành trang của họ, luôn có một gói cà phê, một bộ Aeropress để “sẵn sàng chiến đấu” trên mọi địa hình, thời tiết :D. Vậy tại sao ở Việt Nam, dụng cụ này mới chỉ phổ biến trong “giới cà phê” mà thôi? Những người thích tự pha chế cà phê có nên mua dụng cụ này hay không? Bài viết này tôi sẽ phân tích một chút, theo quan điểm cá nhân, để bạn có thêm cho mình một sự lựa chọn.

Dụng cụ Aeropress – Ảnh: Justiamo, Seedtomysoul.com

Aeropress trông như thế nào?

Phải nói là Aeropress là một “bộ dụng cụ” với ít nhất 8 thành phần với những tác dụng khác nhau, nhìn qua có thể bạn sẽ thấy khá lích kích khi phải gom đủ những phần nhỏ này lại và mang theo bên mình. Tuy nhiên, những thành phần này có ưu điểm là khá nhẹ vì được làm hoàn toàn bằng nhựa, và chúng có thể xếp lại cùng nhau nên chúng ta tưởng là nhiều mà hoá ra lại rất gọn nhẹ. Trước khi phân tích xem bạn có nên mua hay không, và nếu mua thì khi đi ra ngoài, mình nên mang theo cái gì, để ở nhà bộ phận gì, thì hãy tìm hiểu các bộ phận của Aeropress như sau:

  1. Plunger: Dụng cụ ấn xuống
  2. Chamber: Ống đựng cà phê và đóng vai trò như piston để Plunger ấn xuống.
  3. Seal: Van cao su, gắn vào Plunger giúp tạo ra độ bám dính và làm nên áp suất khi bạn ấn xuống.
  4. Filter cap: Khay lọc, là nơi chứa giấy lọc và gắn vào Chamber ở phía dưới. Filter cap cũng có thể chưa những dụng cụ lọc bằng thép.
  5. Funnel: Phễu, dùng để đổ cà phê bột vào Chamber. Sở dĩ có phễu này vì Chamber có đường kính nhỏ, bạn cần một chiếc phễu rộng để cà phê không bị rơi rớt ra ngoài.
  6. Filter holder: Đơn thuần là khay đựng giấy lọc, nhưng cũng có thể tham gia vào việc ấn Plunger.
  7. Scoop: Thìa / muôi xúc cà phê. Nếu bạn hay sử dụng cà phê hạt (whole bean) thì có một điểm thú vị là một Scoop thường sẽ xúc được 18gr cà phê. Điểm này rất đáng để bạn lưu ý, bởi không phải lúc nào bạn cũng cần có cân điện tử để đong đếm cà phê trước khi pha chế bằng Aeropress.
  8. Stirrer: Dụng cụ để khuấy, khi rót nước vào Chamber, thường bạn sẽ có 1-2 lần khuấy đều nước và bột cà phê bằng Stirrer, tất nhiên, việc này không bắt buộc.

Vậy là bạn đã phần nào nắm được về các thành phần của dụng cụ Aeropress. Mỗi thành phần đều có công dụng khác nhau cho từng giai đoạn khác nhau của quá trình pha chế, và một lần nữa, chúng hoàn toàn làm bằng nhựa. (Nên rất nhẹ)

Vậy có nên mua Aeropress hay không?

Có rất nhiều câu hỏi xoay quanh dụng cụ này, đặc biệt là bởi vật liệu làm ra nó, thời gian pha chế ngắn, khả năng tạo ra hương vị..v.v.. Vậy thì trước khi quyết định có nên mua Aeropress hay không, bạn hãy cân nhắc những ưu, nhược điểm sau đây:

Ưu điểm:

  • Gọn và rất nhẹ. Tiện cho việc di chuyển, mang đi du lịch mà không cần phải trang bị gì thêm. Khi đi ra ngoài, thậm chí bạn có thể để ở nhà 50% các thành phần của dụng cụ này, ví dụ như thành phần từ 5, 6, 7, 8 trong hình nêu trên. 1 và 3 thì luôn gắn vào nhau, rồi cho tất cả vào Chamber (số 2), sau cùng gắn thêm Filter cap (số 4) và mang theo ít giấy lọc là xong. Rất tiện đúng không?
  • Dễ sử dụng, cái này ai cũng biết rồi, và hương vị khá phức hợp, bởi pha chế với Aeropress là sự kết hợp của nhiều loại hình pha chế khác nhau nên mùi vị cà phê rất “complex”. Cà phê được đi qua giấy lọc nên vẫn có độ “clean” nhất định.
  • Dễ dàng vệ sinh bởi sau khi pha chế, cà phê dễ dàng được đẩy ra ngoài và dụng cụ hoàn toàn bằng nhựa nên có thể lau rửa dễ dàng. Nếu bạn pha chế bằng V60 thuỷ tinh, cộng với bình đựng cà phê bằng thuỷ tinh, việc vệ sinh cần cẩn thận và khéo léo hơn.
  • Thời gian pha chế ngắn, khoảng 2-2.5 phút là có một ly cà phê cho cá nhân mình, thay vì 5-6 phút so với những dụng cụ khác.

Vậy những điểm cần cân nhắc là gì?

  • Pha chế Aeropress không khó, nhưng để pha ngon thì lại rất khó, vì với Aeropress có rất nhiều cách pha chế (brewing profile) khác nhau cũng như phải tuỳ thuộc vào loại cà phê, mức độ rang, mức độ xay mà mình chọn cách thức pha chế, thời gian pha chế, số lần Stiring (khuấy) cho phù hợp.
  • Cà phê dùng cho pha chế Aeropress cần xay khá mịn nếu bạn không muốn pha kiểu “up side down”, mà với những thiết bị xay thủ công (xay tay) thông thường, để xay cà phê được mịn bạn sẽ khá vất vả. Với cà phê rang đậm (dark roasted) thì không sao, nhưng với dòng cà phê light roasted thì xay bằng dụng cụ xay tay quả là cực hình 😀
  • Mỗi Chamber Aeropress chỉ pha chế ra được khoảng 180-200ml cà phê, nghĩa là đủ cho 1 hoặc tối đa 2 người uống, và nếu tính theo “cup” của nước ngoài thì chỉ dành cho 1 người uống mà thôi. Chính vì vậy, nếu bạn ngồi với ai đó, có lẽ bạn phải “press” 2 lần.

Vì pha chế với Aeropress rất dễ…dẫn tới pha hỏng, nhiều khi, chỉ cần thiếu tập trung một chút, không để ý đến đặc tính cà phê và cấp độ xay một chút thì bản thân tôi cũng pha hỏng, không lên nổi cái vị gì ra hồn. Có gói cà phê 250gr mà phải đến những gram cuối cùng tôi mới pha lên được vị “tomato acidity” như theo taste notes của người rang.

Sau cùng, có thể bạn cũng như tôi, ngày trước, tôi luôn băn khoăn là cái thiết bị bằng nhựa này liệu có an toàn khi pha chế với nước nóng ở nhiệt độ 90-95oC? Liệu nhựa đó có an toàn? Thực tế thì những nhà sản xuất cũng đã nghĩ đến điều này:

Sự biến đổi về vật liệu của dụng cụ Aeropress theo thời gian - nguồn aeropressinc.com
Sự biến đổi về vật liệu của dụng cụ Aeropress theo thời gian – nguồn aeropressinc.com

Như bạn có thể thấy, vật liệu sử dụng để sản xuất Aeropress khá an toàn và bạn hoàn toàn có thể yên tâm sử dụng. Tất nhiên đây là nhựa mỏng, và khi bạn ấn xuống, bạn phải dùng 1 tay còn lại để giữ cho Chamber không bị xê dịch và nó khá nóng cho tay của mình (theo cảm nhận cá nhân). Ngoài ra, nếu bạn xay cà phê mịn, sử dụng thêm một tấm lọc bằng thép thì khi ấn xuống, bạn sẽ cần sử dụng nhiều lực hơn, 4-5 giây đầu sẽ dễ dàng nhưng tới giây thứ 10-15 thì sẽ phải dụng nhiều lực ấn mạnh xuống. Nếu bạn là nữ, bạn cần luyện tập thể thao một chút để dùng tốt thiết bị này.

Quả thật Aeropress nhìn sơ qua thì thấy chẳng có gì phức tạp, nhưng để “master” được nó, bạn cần vượt qua những khó khăn cũng như những kỹ thuật dành cho dụng cụ này. Khi bạn đã làm chủ được mọi thứ, bạn sẽ thấy rất hài lòng với ly cà phê mà mình vừa “ấn” được.

Tham khảo các cấp độ xay cà phê trong tài liệu dưới đây. Password: seedtomysoul.com

Hà Nội, tháng 09/2018

Ghi chú:

  • Bài: tdbinh
  • Ảnh: justiamo , và một số nguồn trích dẫn từ Internet

Tham khảo:

4 comments

  1. Bài hay quá a ơi!, khi nào có thời gian, a viết thêm về siphon, frenchpress hay V60… rồi dần đủ bộ để làm tư liệu (hoặc đọc đỡ ghiền) luôn đi anh!

    1. binhtruong · · Reply

      Thanks em

  2. hoàng kiều · · Reply

    bài viết rất hay. cảm ơn anh vì đã có bài viết mô tả rõ về aeropress

    1. binhtruong · · Reply

      thanks em

Leave a Reply

Discover more from Seed to my soul

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading