Chơi với Lily drip

Mình lọ mọ với manual brew tính đến nay là hơn 06 năm. Cứ có dụng cụ gì mới ra mắt là mình tìm mọi cách mua và thử nghiệm cho bằng được. Chính vì thế, khi thấy @bihatde chụp ảnh với dụng cụ nhỏ gọn Lily drip cho V60, mình liền hỏi mua về thử nghiệm bởi V60 là một trong những phương pháp pha chế mà mình vẫn đang sử dụng hàng ngày.

Lily drip có đến…bốn phiên bản với các lựa chọn tương ứng với những dòng chảy nhanh, chậm khác nhau. Phiên bản mình sử dụng là dòng cơ bản nhất, có tên gọi Lily normal. Hộp đựng sản phẩm gồm hai phần, đầu tiên là chiếc đế nhựa và sau đó là một cục sứ hình chóp, còn gọi là Lily drip, đặt vừa vặn nhất trong Glass V60 Hario của mình. Sở dĩ mình gọi là ‘vừa vặn nhất’ bởi từ lúc mua sản phẩm này, mình đã thử với vài loại V60 dripper khác nhau nhưng không phải với phễu nào Lily drip cũng hoạt động tốt. Đặc điểm dễ nhận biết nhất cho việc Lily drip có vừa vặn hay không đó là quan sát dòng chảy của cà phê khi pha chế. Nếu dòng chảy không dàn đều ra các phần khác nhau của phễu V60 mà chỉ tập trung vào một lỗ thoát duy nhất thì điều đó có nghĩa là chính Lily drip đã bịt mất đường đi của dòng nước, và bạn cần điều chỉnh lại.

Dụng cụ Lily drip tại Seed to my soul. Ảnh: Justiamo

Tại sao lại là Lily drip?

Nếu bạn pha chế bằng dụng cụ V60 lâu năm thì bạn sẽ thấy khi pha chế, có một số điểm hạn chế mà bạn luôn muốn khắc phục, cụ thể như sau:

  • Bột cà phê khi đổ vào phễu sẽ được ‘bố cục’ theo hình dạng của phễu, điều đó cũng có nghĩa là ‘coffee bed’ của bạn bị chia làm hai phần chính: một nửa phía trên nước thấm qua nhanh hơn, và một nửa phía dưới, vì cà phê nở ra và không có nhiều không gian để co giãn nên nước đi qua chậm hơn. Đây chính là phần thường bị gọi là ‘deep extraction’.
  • Có rất nhiều hình dạng V60 hoặc dụng cụ tương tự, nhưng thường dụng cụ V60 truyền thống chỉ có 24 đường gân bên trong phễu. Các rãnh này tạo điều kiện cho dòng chảy có khả năng đi từ trên xuống dưới xuyên qua lớp cà phê, và cũng là nơi hơi nóng thoát ngược lên trên khi bạn bắt đầu rót nước xuống. Đây cũng là ‘cơ hội’ duy nhất của nước và hơi nước luân chuyển trong phễu.
  • Nếu bạn pha chế trong vòng 04 cho đến 4.5 phút thì thường 02 phút đầu, khi bột cà phê chưa nở hết, nước chảy khá suôn sẻ. Nhưng trong vòng 02 phút cuối, bột cà phê giãn nở hết, kèm vào đó là chất béo (lipid) trong cà phê được tiết ra, bám vào khoảng cách giữa các phần tử bột cà phê và thành phễu, khiến cho dòng nước của bạn chảy chậm lại đáng kể. Thậm chí, nếu không có kinh nghiệm, nước của bạn sẽ bị dồn ứ và mất vài phút sau mới chảy hết. Đây cũng là nguyên nhân, một phần nào đó, của việc ‘over extraction’.

Quay lại với Lily drip, ‘có vẻ như’ dụng cụ này giải quyết được vấn đề  thứ nhất và vấn đề thứ hai nêu trên, một phần nào đó. Theo như những gì mà nhà sản xuất giới thiệu thì khi sử dụng Lily drip, cà phê được dàn đều hơn trong phễu và bản thân khối sứ Lily cũng tạo ra nhiều đường thoát cho nước đi qua phễu hơn là chỉ một đường duy nhất nếu bạn chỉ dùng giấy lọc.

Sự thay đổi về ‘coffee bed’ khi sử dụng Lily drip. Ảnh: Lilydrip.com

Như vậy, nếu như dụng cụ này hoạt động đúng như kỳ vọng và như lời giới thiệu đầy tự tin của nhà sản xuất thì lúc pha chế mình không cần phải ‘cut off’ lượng nước ở 30 giây cuối cùng nữa. Đây quả thực là một dụng cụ đáng thử nghiệm.

Thử nghiệm

Nhận được sản phẩm từ @bihatde vào một chiều tháng tám, nhưng phải đến cuối tuần này mình mới có thời gian test kỹ lưỡng với các brewing profile khác nhau. Sử dụng 02-03 loại cà phê khác nhau, dùng phễu V60 thuỷ tinh của Hario, rồi đổi sang V60 steel của Đài Loan, rồi lại quay về Origami sứ của Nhật, rồi tiếp tục là V60 plastic của Hario. Tỷ lệ sử dụng nước với cà phê của mình cũng thay đổi từ 1:15 sang 1:16 và ngược lại để đánh giá sự thay đổi (dù nhỏ).

Để sử dụng Lily drip, bạn cần một dụng cụ hỗ trợ nhỏ để lật ngược giấy lọc V60. Ảnh: Justiamo

Để sử dụng Lily drip, bạn cần một dụng cụ hỗ trợ nhỏ, còn gọi là đế nhựa, để lật ngược giấy lọc V60. Mục đích của việc này là đảm bảo tờ giấy lọc phủ hoàn toàn lên đỉnh chóp của khối sứ Lily drip, từ đó cà phê sẽ được dàn đều xung quanh và tạo điều kiện cho nước đi qua cà phê một cách đồng đều hơn.

Trong quá trình thử nghiệm với Lily drip, có vài điều mình không thay đổi trong tất cả các lần pha chế đó là:

  • Cấp độ xay: 3.5 của máy Kalita cut G
  • Dòng chảy: 02mm
  • Nhiệt độ nước: 93oC, sử dụng nước máy TDS = 175

Lý do chính mình không thay đổi những điều nêu trên là bởi mình muốn tập trung vào sự khác biệt do Lily drip tạo ra dù sử dụng phễu V60 dạng gì đi chăng nữa. Các yếu tố khác cần giữ nguyên để phần nào mang lại tính chính xác trong quá trình đánh giá, thẩm định một sản phẩm mới.

Cà phê được dàn đều xung quanh Lily drip trong phễu. Ảnh: Justiamo

Kết quả sau khi sử dụng Lily drip nhiều lần khiến mình khá hài lòng. Tuy rằng, cần có kinh nghiệm pha chế V60 hàng ngày và trung thành ‘test’ với một vài loại cà phê trước và sau khi sử dụng Lily drip để nhận ra sự khác biệt, nhưng sự khác biệt đó khá ấn tượng. Lượng nước đi qua cà phê với Lily drip trong phễu có tính ổn định tương đối tốt. Từ lúc ‘blooming’ cho đến lần rót cuối cùng, nước có chảy chậm lại nhưng không có dấu hiệu bị dồn ứ khi thời gian trôi về những giây cuối cùng. Với Lily drip, mình không còn bị hiện tượng toàn bộ bột cà phê ngậm nước trở nên nặng hơn và nằm bám dính dưới đáy phễu, để hẳn cho lượng nước cuối cùng nổi lên trên, trong veo như ao đọng nước.

Tất nhiên, khi không có Lily drip, mình lại phải dùng các kỹ thuật rót khác nhau, tinh chỉnh dòng chảy và lực rót xuống khác nhau, độ cao khác nhau tại những thời điểm khác nhau trong suốt 4-5 phút pha chế với V60. Thi thoảng mình cũng phải dùng kỹ thuật rót theo chiều xoáy của đường gân trong phễu ở lần rót thứ ba để tránh sự dồn ứ của cà phê, hoặc các kỹ thuật xử lý với cà phê dark roast, cà phê xay ra có nhiều hạt mịn vẫn là những điều mình tin có thể kết hợp với Lily drip. (Mình sẽ viết sâu hơn về các phương pháp và kỹ thuật pour over trong những bài sau)

Cà phê blooming và chảy đều với Lily drip. Ảnh: Justiamo

Như vậy, có thể tạm kết luận rằng, Lily drip đã hoàn thành khá tốt nhiệm vụ của mình trong việc tối ưu hoá quá trình chiết suất và điều chỉnh dòng chảy trong pha chế với V60. Mặc dù vậy, vẫn còn một số điểm mà mình chưa đánh giá hết được về sản phẩm này bởi mình vẫn chỉ sử dụng những dòng cà phê light roasted, có thời gian 06-08 tuần kể từ ngày rang mà phần lớn những hạt cà phê của mình hiện có đều có độ ẩm thấp, hạt khá là ‘khô’ và không có tinh dầu trên bề mặt.

Với một số dụng cụ V60 bằng kim loại hoặc với Origami dripper, thì Lily drip cho thấy việc đứng vững của khối sứ trong những phễu này là khá khó khăn. Về bản chất, khối sứ Lily drip là một khối độc lập và cũng không có gì giữ vững nó đứng thẳng ngay chính giữa trong lòng phễu V60 ngoài bột cà phê xung quanh. Điều này cũng có nghĩa là, dù có Lily drip nhưng nếu bạn rót với lực không đều, dòng chảy không đều thì bột cà phê vẫn có thể bị đẩy về một phía của phễu V60, khiến cho khối sứ của Lily drip vì thế cũng lệch theo. Kết quả là dòng chảy xuống bình đựng cà phê phía dưới cũng không còn lý tưởng nữa, vì lúc này, nước sẽ theo chỗ trũng để chảy vào.

Có những sản phẩm được ra đời từ những tình huống bất ngờ, và cà phê cũng luôn mang lại sự bất ngờ cho mình mỗi ngày. Ảnh: http://lilydrip.com/

Khách quan mà nói, ở điều kiện bình thường, và khi bạn đã có kinh nghiệm pha chế pour over nhiều năm, thì mình tin rằng Lily drip sẽ là trợ thủ đáng kể cho quá trình pha chế của bạn. Giá thành của sản phẩm này cũng khá rẻ, với mức giá khoảng 07 USD trên Internet và ship về Việt Nam là 10-11 USD. Như vậy, Lily drip hoàn toàn xứng đáng nằm trong tủ cà phê của bạn, như một lựa chọn giúp bạn thêm những kỹ năng điều chỉnh trong quá trình sử dụng V60 hàng ngày.

Hà Nội, 08/2019

Ghi chú

Xem thêm sản phẩm tại đây: http://lilydrip.com/

One comment

  1. […] mình được diễn ra với hai loại dụng cụ chính: V60 với sự kết hợp của Lily drip và kalita wave 02 […]

Leave a Reply

Discover more from Seed to my soul

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading