Nếu ở châu Âu, có lẽ ai cũng biết đến cà phê Jacob, thương hiệu với logo là chiếc vương miện màu vàng, có bán ở khắp các siêu thị. Jacob cà phê thường được biết tới với các sản phẩm cà phê bột đóng gói, cà phê hạt rang đậm, bán gói to 1-2kg, và đình đám nhất là cà phê hòa tan. Những lần mình đi du lịch trong nước Đức, đến các khách sạn có cà phê pha sẵn, mình thấy họ hay dùng các gói cà phê Jacob. Thương hiệu này bán cả B2B và B2C, B2B2C khắp nơi ở EU.
Là một thương hiệu có từ năm… 1895 (nghĩa là thế kỷ 19), khi mà rất nhiều người trong chúng ta còn chưa ra đời thì ông Johann Jacobs đã đi bán cà phê. Đây là thương hiệu của Đức, và sau một thời gian mới mở rộng ra khắp châu Âu và các nơi khác nữa. Jacobs coffee không xuất phát điểm từ Bremen, phải tới năm 1958 thì công ty này mới mở chi nhánh ở thành phố Tây Bắc nước Đức này. (mình ở Hamburg coi như là cực Bắc của nước Đức rồi nha, cách biên giới Đan Mạch chỉ 1h30′ ngồi tàu)


Có lẽ giống như các thương hiệu lâu đời khác như Starbucks, Nescafé (công ty con của Nestlé, và nếu bạn chưa biết thì đây là công ty đã mua lại Blue Bottle, thương vụ M&A cà phê duy nhất tính đến thời điểm này đạt giá trị gần 500 triệu USD), Jacob khởi nghiệp bằng cà phê hòa tan, cà phê hạt, cà phê cô đặc.v.v… và khi làn sóng (coffee wave) thứ 3, thứ 4 tràn tới, họ mới mở thêm mảng specialty coffee.
Mặc dù đi sau nhưng với lợi thế to lớn sẵn có như nhà máy chế tạo sản phẩm cà phê, xưởng rang cà phê, mạng lưới nhân sự và chi nhánh rộng khắp cũng như vốn hóa lớn, Jacob dễ dàng chuyển mình để mở thêm ‘coffee haus’ để tập trung vào specialty coffee. Cách làm thì cũng giống như Starbucks chuyển mình làm Starbucks Reserved bên cạnh các cửa hàng cà phê vốn có của họ (nôm nà là muốn xịn sò luôn thì phải có tiền).
Quay trở lại với Bremen, từ nhà mình tới Bremen rất gần, chưa đến 1 giờ đồng hồ ngồi tàu cao tốc ICE nên theo lý thuyết thì có thể đi về trong ngày. Kiểu như, sáng ngồi tàu đến uống cà phê, ăn trưa rồi chiều lại ngồi tàu về nhà mà không thấy mệt mỏi gì. Tụi mình đến Bremen sau chuyến đi Copenhagen, vì trong kỳ nghỉ dài, nên tận dụng nốt mấy ngày cuối đi Bremen chơi.


Sau khi đi dạo phố cổ, quảng trường trung tâm, những con phố lâu đời dài 100m nhưng tồn tại vài trăm năm thì mình tìm những quán cà phê nổi tiếng ở trong vùng. Mục đích của mình là xem ở thành phố be bé xinh xinh này liệu có specialty coffee không. Đúng là không nhiều quán cà phê ở đây. Nếu chỉ tính coffee roastery và specialty coffee thì Bremen chỉ có 4 hoặc 5 điểm đáng chú ý và có thể thử check-in. Sau khi tìm đường một hồi thỉ chỉ có Jacob là gần và tiện đi nhất, vì quán nằm ngay khu phố trung tâm, có thể đi tàu điện đến quảng trường rồi đi bộ ra địa điểm của quán.
Một thông tin quan trọng là quán Jacob Haus không nằm ở mặt đường, nên nếu bạn tìm địa chỉ quán thì sẽ thấy mình đi đến gần nó rồi, sao không thấy đâu. Do đó, mình sẽ để hình ảnh bản đồ ở đây để bạn tiện theo dõi. Nếu bạn đã tìm đến phố Obernstrasse thì sẽ thấy một ngõ nhỏ tên là Kleine Waagestrasse (kleine nghĩa là ‘nhỏ’ trong tiếng Đức) và bạn cần đi vào ngõ đó, qua mấy bậc thang vòng ra sau thì sẽ nhìn thấy Jacob Haus nhé.

Nhìn từ bên ngoài quán rất đẹp. Nằm trong một khoảng sân rộng phía sau tòa nhà lớn, không gian quán bỗng nhiên yên tĩnh và có lợi thế về khoảng sân rộng rãi. Bên cạnh Jacob Haus là ‘bạn’ Espresso House to đùng và quán này cũng đẹp. Có điều cà phê của Espresso House uống chán, chỉ như Highland ở Việt Nam nên mình chỉ thử một lần và mãi mãi không quay lại, cũng ko muốn viết review 🙂
Mặt bằng ở đây nhìn tuy rộng nhưng tầng 2 và cửa chính đã ‘bị’ Espresso House lấy mất, vì thế Jacob Haus chỉ còn một cách cửa nhỏ bên phải mà thôi. Tóm lại chỗ nào có cái ô xanh đề biển Jacob thì được ngồi.

Bên trong quán có nhiều ‘đồ chơi cà phê’ xịn sò, tất nhiên đều là những brand nổi tiếng mà ai cũng biết. Mình không liệt kê nữa, vì những thiết bị này hiện này ở Việt Nam cũng phổ biến rồi. Những dụng cụ pha chế manual brew thì hầu hết là đồ Kinto, Kalita và Fellow. Những đồ này đều phải nhập khẩu, kể cả giấy lọc cà phê, nên giá bán hơi cao (nếu không muốn nói là đắt) so với thị trường châu Á, cụ thể là Nhật, và Việt Nam.
Không gian bên trong cũng phải giành một nửa cho quày bar, nên chỉ còn 4-5 bàn để ngồi mà thôi. Menu của Jacob đơn giản, có vài món bánh và đồ uống cũng giới hạn trong khoảng 7-8 sự lựa chọn. Cá nhân mình thấy menu như thế là hợp lý, càng nhiều đồ càng khó chọn và chất lượng sẽ không được tập trung tốt vào đồ uống chủ đạo.
Quán cà phê thì điều đầu tiên và quan trọng nhất là cà phê phải ngon, mình nghĩ vậy



Khi mình ghé chơi quán thì hôm ấy khá vắng vẻ, nên cả nhà vẫn có chỗ ngồi bên trong. Mình cũng nghĩ là người dân sống ở đây đã quen với quán nhỏ nên họ sẽ chỉ ghé qua mua đồ mang đi mà thôi. Và đúng là có nhiều người đến chỉ để mua cà phê mang đi hoặc mua gói hạt cà phê mang về nhà tự pha chế. Bây giờ thì cần gọi cà phê để uống thôi, nói (viết) nãy giờ khô hết cả họng rồi.
Như một thói quen, mình gọi Flat white khi nhìn vào menu của Jacob haus, còn vợ mình gọi ice latte.
Tại sao lại là Flat white? sao lại là cà phê với sữa? Câu trả lời rất đơn giản, mình thường uống pour over vào thời điểm trong ngày khi mà miệng của mình không bị ảnh hưởng bởi thứ gì cả. Bằng cách đó, cà phê pour over sẽ được đánh giá hoặc trải nghiệm hương vị đúng đắn hơn. Một phần là cà phê filter (hay pour over) có body mỏng hơn espresso hoặc flat white, nên càng dễ bị ‘chèn ép’ nếu bạn vừa đánh răng buổi sáng sớm xong, hoặc sau bữa sáng, sau bữa trưa. Sau bữa ăn chính, bạn ăn nhiều đồ ăn, nhiều loại gia vị, lưỡi của bạn và vòm miệng được phủ nhiều lớp hương vị khác nhau, nó sẽ khiến bạn ‘taste’ cà phê không chính xác nữa. Nếu bạn là người ăn mặn, hoặc ăn cay như mình thì khẩu vị sau bữa ăn sẽ cần 2-3 giờ đồng hồ để phục hồi.
Mình đến Jacob sau bữa ăn trưa, thế nên lựa chọn sẽ là espresso hoặc flat white hoặc cappuccino, latte mà thôi.


Vậy cà phê Jacob uống thế nào? Uống ngon phết 😀 Có lẽ vì họ cũng dùng cà phê arabica chất lượng tốt, sữa tốt (dùng Oatly thần thánh, và rất phổ biến bên này), kỹ năng của barista tốt (dù bạn ấy trông rất lạnh lùng) nên ly Flat white của mình không có gì để phàn nàn cả. Latte đá cũng được, đầy đặn, cân bằng, dễ uống.
Cà phê nào ngon hay dở cũng phải thử lại vài lần mới cảm nhận chính xác được. Vì vậy, tụi mình ở Bremen 02 ngày thì ngày nào cũng ghé thăm Jacob Haus (vì thực ra cũng đâu có nhiều lựa chọn). Lần thứ hai mình gọi thêm loại bánh khác để ‘pairing’ với flat white, kết quả cũng như lần đầu. Cà phê thơm, cân bằng độ đậm và độ béo của sữa, chất lượng ổn định. Bánh ở Jacob cũng không quá ngọt, dễ ăn và nhà mình ăn vèo một cái đã hết bay.
Jacob Haus cũng bán nhiều loại hạt cà phê, trong đó có cả geisha, và giá thì cũng tương tự như ở Hamburg hay Berlin. Mình không mua hạt nào cả vì geisha thì đắt mà các hạt khác thì không có gì đặc biệt. Chắc hẹn lần sau sẽ thử mua về pour xem chất lượng rang thế nào, còn bây giờ thì lượn phố xong rồi lên tàu đi về.
Jacob Hause là thế, và nếu bạn đến Bremen, có thể thử ghé chơi, ăn bánh, uống cà phê rồi mua một gói hạt cà phê rang sẵn về nhà làm kỷ niệm. Mình chưa biết khi nào mới quay lại Bremen (vì nó nhỏ quá, không có nhiều chỗ để đi nữa), nhưng nếu có dịp, chắc chắn sẽ lại tới chỗ này.
Hamburg, 05/2023
Ghi chú:
Tham khảo:
- Thông tin quán: https://johann-jacobs-haus.de/
- Best coffee in Bremen
[…] pha chế Aeropress. Ảnh: A film about coffee Khu vực bar siêu đẹp của Jacob Haus Barista ở Coffee collective, Copengahen Barista ở Codos coffee, […]