Rwanda coffee, những điều bạn nên biết

Hôm nay mình muốn kể về cà phê Rwanda, một loại cà phê mang trong mình nhiều chuyện buồn nhưng cũng không kém phần dũng cảm cũng như nghị lực vươn lên của những người nông dân nơi đây. Châu Phi từ trước tới nay, với rất nhiều người, vẫn là một vùng đất xa xôi và đầy bí ẩn. Có vài người may mắn đã tới đó. Những người làm nghề coffee buyer (chuyên thu mua nhân xanh cà phê) thì sẽ được đến các trang trại ở Châu Phi nhiều hơn (gọi là đi farm). Còn phần lớn chúng ta, những người uống cà phê (coffee consumer), thì chẳng có lý do để đến lục địa đen xa xôi làm gì (chuyến đi tới gần Châu Phi nhất của mình, tới Mauritius, cũng đã 10 năm trước).

Lịch sử ngành cà phê Rwanda

Ngành công nghiệp cà phê của Rwanda bắt đầu vào những năm 1900 khi các nhà truyền giáo người Đức giới thiệu loại cây trồng này cho đất nước. Tuy nhiên, phải đến những năm 1930, cà phê Rwanda mới được quốc tế chú ý. Trong thời gian này, chính quyền thuộc địa Bỉ bắt đầu mở rộng và đầu tư vào ngành cà phê, dẫn đến việc hình thành các hợp tác xã và phát triển cơ sở hạ tầng tại đây. Cà phê đã trở thành một loại cây trồng xuất khẩu quan trọng và chính phủ đã khuyến khích nông dân trồng loại cây này.

Có vẻ như ngành cà phê ở đây cũng phát triển giống như các nước ‘thuộc địa’ Châu Phi khác, vậy đâu là điều đáng nói? Cuối năm 2019, mình được Kenda, người có chuyến đi đến Rwanda cùng năm đó, mời tới một buổi workshop của Starbucks reserved Hà Nội để chia sẻ về cà phê Rwanda. Đó là một buổi kể chuyện rất hay và có nhiều chia sẻ khiến mình nhớ mãi về cà phê của vùng đất này. Chúng ta hãy bắt đầu tìm hiểu nhé.

Tại sao lại là Rwanda?

Bởi vì câu truyện về cà phê Rwanda mà mình được nghe, rồi tự tìm hiểu, đã mang lại những ấn tượng sâu sắc nhất. Nó như một sự trỗi dậy của người dân nơi đây, thật ngoan cường và lạc quan. Bởi với họ, trồng cà phê là một trong những con đường khả thi nhất để xây dựng lại cuộc sống tốt đẹp hơn sau những mất mát, những xung đột sắc tộc và nội chiến.

Rwanda là một quốc gia nhỏ ở Đông Phi nổi tiếng với phong cảnh đẹp, động vật hoang dã đa dạng và nền văn hóa độc đáo. Tuy nhiên, Rwanda cũng từng có một quá khứ đầy rắc rối, được đánh dấu bằng tình trạng bất ổn chính trị và bạo lực đã ảnh hưởng sâu sắc đến người dân nước này. Một trong những sự kiện tàn khốc nhất trong lịch sử Rwanda là nạn diệt chủng xảy ra vào năm 1994 (từ ngày 7 tháng 4 đến ngày 15 tháng 7). Trong khoảng thời gian 100 ngày, hơn 800,000 người là các thành viên của nhóm dân tộc thiểu số Tutsi, cũng như một số người Hutu và Twa ôn hòa, đã bị sát hại bởi lực lượng dân quân Hutu có vũ trang.

Cuộc chiến chỉ chấm dứt cho đến cuối tháng 7 năm 1994 và mất rất nhiều năm sau đó để Rwanda có thể ổn định trở lại cũng như duy trì nền hòa bình đến ngày nay. Sự độc lập và hòa bình đó có chắc chắn và lâu dài hay không, mình sẽ không bàn đến trong blog này. Thứ mình muốn nhắc đến là cuộc sống của người dân ở đó, đã thay đổi ra sao sau những biến cố lịch sử, đặc biệt là người trồng cà phê.

Cuộc sống với những hạt cà phê

Hậu quả của cuộc nội chiến đã tàn phá nền kinh tế của Rwanda, khi nhiều doanh nghiệp và ngành công nghiệp bị phá hủy. Ngành cà phê, từng là một phần quan trọng của nền kinh tế đất nước, bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề. Nhiều trang trại cà phê của đất nước đã bị bỏ hoang hoặc bị phá hủy, và cà phê được sản xuất có chất lượng kém. Trong những năm sau đó, ngành công nghiệp cà phê của Rwanda tiếp tục rơi vào tình trạng hỗn loạn.

Vậy người dân Rwanda đã xoay sở ra sao?

Khi phần lớn đàn ông đã bị thảm sát, hoặc bị bỏ tù sau biến cố, nhiều phụ nữ (dù mang thai ngoài ý muốn) ở thị trấn Rutsiro đã quyết định tự mình giải quyết vấn đề và tìm lại cuộc sống vốn có thông qua cây cà phê. Họ đã thành lập một hợp tác xã tên là Abakundakawa, để cùng nhau tập trung phát triển lại nghề trồng cà phê của mình.

Những người phụ nữ của Abakundakawa đã làm việc không mệt mỏi để khôi phục các trang trại cà phê trong khu vực của họ, trồng cây mới và phục hồi những cây cũ. Họ cũng làm việc để cải thiện chất lượng cà phê mà họ đang sản xuất, thử nghiệm các phương pháp chế biến và rang khác nhau cho đến khi họ tìm thấy sự cân bằng hoàn hảo giữa hương vị và mùi thơm. Abakundakawa, bằng nỗ lực của mình, đã đạt được danh tiếng xứng đáng thông qua các chương trình Cup of Excellence danh giá và trở thành một phần quan trọng trong bản đồ cà phê ở Đông Châu Phi (Atlas’ East African).

Sự thành công của Abakundakawa sau đó được lan tỏa ra nhiều nhóm khác tại Rwanda, trong đó có Hiệp hội Phụ nữ Hingakawa, Hợp tác xã Sholi.v.v… Đọc đến đây, chắc bạn dần nhận ra những cái tên quen thuộc nếu bạn đã từng uống hoặc nhìn thấy mấy loại cà phê này ở các roastery ở Mỹ, hoặc ở Starbucks reserved tại Việt Nam.

Những gói cà phê này, có lẽ, bạn đã nhìn thấy đâu đó trong những năm tháng gần đây ở các quán cà phê mà mình hay uống. Với những cái tên thật kỳ lạ, và có thể, bạn ít khi để ý đến, phải không? Abakundakawa đã ra đời như thế, nó có nghĩa là “những người yêu thích cà phê” (tiếng Anh là “People who loves coffee“) trong ngôn ngữ Kinyarwanda. Hingakawa có nghĩa là “let us grow coffee“, Musasa nghĩa là “a place to make a bed”  còn Sholi, nếu bạn từng uống, có nghĩa là “mutual assistance” hay trong tiếng Việt là “hỗ trợ lẫn nhau”.

Những cái tên đọc qua nghe thật khó hiểu với chúng ta, lại mang ý nghĩa thật đơn giản nhưng cũng như chứa đựng thông điệp đầy cảm thông sâu sắc. Nó bình dị như những người nông dân Châu Phi luôn khát khao một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Vậy cà phê Rwanda như thế nào?

Rwanda chủ yếu sản xuất cà phê Arabica, được biết đến với vị ngọt, độ chua và hương vị phức hợp. Cà phê Rwanda thường có vị tươi sáng (bright) và có hương trái cây, với hương cam quýt, trà đen và sô cô la đen. Một số giống cà phê phổ biến nhất ở đây có thể kể đến như:

  • Bourbon: Đây là giống được trồng rộng rãi nhất ở Rwanda, có vị ngọt, trái cây và giống như rượu vang.
  • Jackson: Jackson là giống lai tạo ra loại cà phê có hương vị cân bằng và độ axit trung bình.
  • Mibirizi: Một giống tương đối mới mà mình mới chỉ đọc qua sách báo chứ chưa được thử bao giờ.
  • Nyamasheke: Cà phê Nyamasheke được trồng ở phía tây của Rwanda, có vị ngọt và trái cây với hương vị blackcurrant điển hình.
  • Kivu 1: Giống này được biết đến với năng suất cao và tạo ra loại cà phê có vị ngọt và hương hoa quả (floral thì đúng hơn).

Mình đã từng nếm thử cà phê Rwanda cả hai loại Abakundakawa và Hinkagawa, ở cả mức độ rang đậm của Starbucks và rang vừa của Sterling coffee. Kết quả của những loại cà phê này luôn khiến mình hài lòng, chẳng có gì để phàn nàn.

Thành công của ngành cà phê Rwanda là minh chứng cho sự kiên cường và quyết tâm của người dân Rwanda. Bất chấp những đau thương trong quá khứ, thách thức trong hiện tại mà họ phải đối mặt. Họ đã cố gắng xây dựng lại ngành công nghiệp cà phê của mình và tạo ra một sản phẩm thuộc hàng tốt nhất trên thế giới. Sản lượng xuất khẩu cà phê của Rwanda tính đến hết năm 2022 đạt gần 100 triệu USD (và nếu bạn chưa biết thì sản lượng xuất khẩu cà phê của Việt Nam là hơn 4.05 tỷ USD) và đó là cột mốc rất đáng khích lệ (đáng nể nữa). Bên cạnh đó, cà phê Rwanda cũng được biết đến thông qua câu truyện gieo trồng bằng các biện pháp canh tác hữu cơ và bền vững.

Lời kết

Hy vọng rằng, qua bài viết ngắn gọn này của mình, bạn đã phần nào biết thêm được những gì đã và đang diễn ra đằng sau loại hạt cà phê Rwanda mà chúng ta thưởng thức. Hoặc lúc nào đó, nếu bạn thấy gói cà phê Rwanda trên kệ sản phẩm của cửa hàng cà phê nơi bạn đi ngang qua, hãy mỉm cười bởi một phần nỗ lực của ai đó đã được trân trọng và truyền đến tay người sử dụng. Hay đơn giản hơn, bạn có thể kể lại câu truyện này cho những người bạn của mình khi ngồi bên cốc cà phê.

Người ta vẫn thường nói, đằng sau mỗi hạt cà phê là một câu truyện. Nhưng câu truyện ấy không phải lúc nào cũng thi vị mà đôi lúc nó cũng nhiều biến cố, gian truân để rồi kết thúc đầy tình người như cổ tích. Nếu để kể về cà phê Rwanda, một vùng đất được mệnh danh là “the land of a thousand hills”, mình sẽ nói về những người phụ nữ nông dân đầy nghị lực và dũng cảm ấy. Họ đã sống và vượt qua những nước mắt, đau khổ tột cùng, để xây dựng lại cuộc sống bằng những hạt cà phê nhỏ bé. Những hạt cà phê ấy, chính là di sản giàu hương vị và tình yêu thương. Vì thế, mình tin rằng, Rwanda và những con người làm cà phê ở đó, chính là nguồn cảm hứng cho bất cứ ai trong cuộc sống này.

Hamburg, 05/2023

Ghi chú:

Bài liên quan:

Tham khảo:

Leave a Reply

%d bloggers like this: