Có nên đi học khoá học cà phê

Trên đời này muốn biết được cái gì hoặc làm được nghề gì với kỹ năng mà bạn chưa biết, bạn đều phải đi học. Học từ bé đến lớn, từ biết đọc, biết viết, cho đến những kỹ năng chuyên môn. Điều này đúng như chân lý, nhỉ?

Học là một sự lựa chọn

Nhưng học thì có 2 loại: Một là kỹ năng để làm việc gì đó (aka: doer/worker), hai là để phát triển tư duy (aka: thinker).

Đọc đến đây, chắc bạn sẽ nhớ ra câu nói nổi tiếng này:

‘I don’t want a nation of thinkers. I want a nation of workers.’

Rockefeller


Rockefeller là ai thì bạn tự tìm trên Google nhé. Nhưng mình dẫn chứng câu nói này để bạn suy nghĩ những gì bạn cần, trước khi học một cái gì đó. Ví dụ:

  • Năm 1999: Mình chọn học IT vì nó dễ xin việc, đơn giản thế thôi, và đến bây giờ, sau hơn 20 năm điều này vẫn đúng.
  • Năm 2021: Mình chọn học Master về UX (User Experience), đơn giản là mình muốn đi Châu Âu lần nữa 😀 nhưng sau đó lại chẳng cần đến cái bằng này làm gì. Công việc hiện tại không liên quan đến thiết kế trải nghiệm nhiều lắm, do đó, đây là lựa chọn chưa đúng đắn.

Thế cà phê có cần học không?

Về lý thuyết thì để làm nghề cà phê, bạn cần phải học. Lý thuyết là thế. Nhưng học như thế nào lại là chuyện khác. Bạn nên cân nhắc:

  • Đó có phải là high-income skill hay không? (nghề được trả lương cao)
  • Bạn có định sống với nghề đó 20 năm hay không?
  • Bạn có cách nào khác để học kỹ năng đó mà không tốn quá nhiều tiền hay không? Ví dụ như học qua thực tập, học qua bạn bè, học qua Internet.v.v..
  • Bạn có định sau này đi dạy về kỹ năng đó hay không? Nếu có, thì bạn cần học và thi lấy chứng chỉ 🙂

Nếu bạn chỉ định đi làm ‘nghề’ cà phê một thời gian, bạn không cần phải đi học những khóa học SCA và thi lấy những chứng chỉ của tổ chức này. Cá nhân mình thấy ‘mấy tờ giấy’ này, chỉ phù hợp với người đi dạy hoặc người chọn suốt đời theo nghề ‘coffee buyer’ và trở thành Q grader chuyên nghiệp.

Q grader lương bao nhiêu thì mình không biết. Barista champion lương bao nhiêu, mình cũng không biết nốt. Nhưng có điều chắc chắn răng, barista hay nghề pha chế cà phê nói chung, không phải là nghề có thu nhập cao. Tại sao? Đơn giản bởi đó không phải là nghề thuộc dạng ‘high income’ skill. Nghĩa là những kỹ năng để làm nghề không phức tạp và không quá khó để học. Nếu không muốn nói là ai cũng có thể học.

Những kỹ năng pha chế cơ bản có thể học trong 1-2 tuần và để ra nghề thành thạo, có thể 1-2 tháng. Đi làm một thời gian, đọc thêm sách vở và chịu khó tìm hiểu thêm trên Internet, bạn sẽ thạo nghề, để rồi bắt đầu sáng tạo được các món đồ uống mới. Bạn có thể phản biện rằng, những bartender hay barista giỏi, cũng kiếm được khá nhiều tiền. Cũng có thể, nhưng tỷ lệ là 1:1000 hoặc 1:100,000 (nghĩa là 100,000 người mới có 1 người bứt lên) và thường bạn phải là top ở một quốc gia nào đó, chịu khó làm ở các bar nổi tiếng.v.v…

Nếu bạn chỉ định làm tạm nghề cà phê một thời gian, thì càng không cần đi học nghề. Có rất nhiều quán tuyển thực tập pha chế và đào tạo nghề cho bạn. Chấp nhận làm không lương một thời gian, rồi khi thạo việc, bạn sẽ kiếm được tiền. Ngày xưa, khi mới đi lập trình, mình còn nhớ là tháng 11/2002, cũng phải sau 6 tháng mình mới được nhận lương (500,000 VND/tháng) 😀

Học để phát triển sự nghiệp trong ngành cà phê

Nếu bạn làm ở những công ty cà phê lớn như Meer coffee, Starbucks, Vinacafe.v.v.. thì bạn nên học. Tốt hơn nữa là xin công ty tài trợ tiền cho bạn đi học.

Nếu bạn định làm nghệ nhân rang cà phê, bạn phải đi học, vì rang khó hơn và mang tính khoa học nhiều hơn. Nếu bạn định mở quán cà phê, hoặc cao cấp hơn là mở một coffee roastery, cung cấp cà phê cho thị trường tiêu dùng, thì bạn cần đi học. Đi học về cà phê và cả marketing, quản trị kinh doanh nữa.

Lưu ý thêm một điểm là, dù bạn định kinh doanh trong ngành cà phê, thì trước khi đầu tư một số tiền lớn bạn vẫn nên đi ‘làm thuê’ cho các quán cà phê từ nhỏ đến lớn, làm thuê cho các công ty cà phê đa quốc gia để học hỏi kỹ năng nghề nghiệp cũng như cách thức vận hành quán, cách thực quản lý doanh nghiệp, nhân sự của họ.

Tóm lại, học phải có mục đích, và mục đích đó phải rõ ràng kèm theo kế hoạch triển khai cụ thể theo các mốc thời gian.

Học vì đam mê cà phê

Học nhiều và đọc nhiều về cà phê thì cũng không ‘phát triển tư duy’ để thúc đẩy sự nghiệp hay tự chủ tài chính cho lắm. Do đó, như câu nói ở phần đầu bài viết, học về cà phê vẫn thuộc về kỹ năng làm việc nhiều hơn.

Tuy nhiên, nếu bạn cũng như mình, đam mê về cà phê nhiều quá và khi có một khoản ngân sách mà nó không quá ảnh hưởng tới tích lũy tài chính cá nhân hay gia đình, thì bạn có thể đi học. Mà nếu đã là đam mê, thì… tin mình đi, bạn sẽ tìm được đủ mọi cách để trang bị cho mình kiến thức theo từng ngày.

Kiến thức cà phê nếu chuyên về trồng trọt và thu hoạch thì sẽ nhiều, nhưng đó là kiến thức của ngành nông nghiệp đem qua áp dụng cho cà phê mà thôi. Khoa học chiết suất và nếm thử (tasting) cũng vậy. Tất cả các lĩnh vực ẩm thực khác đều có, và nó bao gồm kiến thức của ngành hóa thực phẩm. Bản chất của ngành cà phê, thành thật mà nói, kiến thức không có nhiều. Cho dù bạn đọc 10 hay 20 cuốn sách về cà phê, bạn sẽ thấy kiến thức lặp đi lặp lại qua các cuốn sách. Những cải tiến mang tính ‘innovation’ hàng năm cũng giới hạn trong phạm vi máy móc thiết bị và công thức pha chế (brewing). So với IT, hay Marketing, Psychology thì phạm vi và bề dày kiến thức, mức độ học thuật lớn hơn rất nhiều.

Nhưng, đó chính là cái hay và vẻ đẹp của cà phê. Bởi vì nó đơn giản. Đơn giản đến mức ai cũng có thể tiếp cận và cảm nhận theo cách của riêng mình. Cùng một loại hạt cà phê, nhưng mỗi người sẽ có cách thưởng thức cũng như nhận biết mùi vị khác nhau. Mình thích nhìn nhận cà phê là văn hóa, mà văn hóa thì cần có thời gian để hiểu cũng như chọn ra phong cách riêng của mỗi người (tiếng Anh là style, tiếng Việt là gu 😀 ).

Kết luận

Mình viết bài này bởi mình cũng từng là người mò mẫm tự học về cà phê và tốn khá nhiều tiền để đi khắp nơi như Bangkok, Taipei… để mua đồ cà phê, dụng cụ và học hỏi ở các quán specialty coffee từ 10 năm trước. Mình cũng tự bỏ tiền ra học khóa sensory của SCA, và trong thập kỷ qua đã thử rất rất nhiều loại cà phê từ khắp nơi trên Thế Giới. Nhưng tất cả điều đó với mình là sở thích, không phải là sự nghiệp. Mà đã là sở thích, thì có cũng được, không thành đạt với nó cũng chẳng sao.

Nếu bạn chọn cà phê là sự nghiệp của mình, thì hãy chọn cách học sao cho đơn giản và ‘rẻ’ nhất có thể, tính thực tiễn cao nhất có thể. Bởi vì, con đường học rất dài, ví như blog thiết kế trải nghiệm mình viết cũng 10 năm rồi, và bằng cấp, chứng chỉ… cũng chỉ là 1 tờ giấy 🙂

Hamburg, 06/2023

Binh Truong

Ghi chú:

Leave a Reply

%d bloggers like this: