Đi tìm arabica Việt Nam

Tôi luôn tin rằng, Việt Nam có cà phê ngon. Cho dù có nhiều khó khăn nhưng người Việt Nam hoàn toàn có thể trồng và sản xuất ra thứ cà phê ngon thay vì chỉ “mang tiếng” xuất khẩu hạt cà phê Robusta ra Thế Giới. Chỉ cần một chút nữa thôi, sự chuyên nghiệp, đào tạo bài bản, rang, xay và pha chế… Các quán cà phê Việt Nam hoàn toàn có thể bán loại cà phê thơm ngon và đẹp hơn.

IMG_0396
( Ảnh: Justiamo )

Người ta (chủ yếu là các thống kê và các bài viết có nguồn từ nước ngoài) thường hay nói rằng, Việt Nam không có hoặc có trồng rất ít giống cà phê arabica. Giống cà phê có hương vị phong phú hơn (chua thanh, ngọt dịu, hương thảo mộc/ hoa quả ) và cũng ít đắng hơn do nồng độ cafein nhỏ hơn so với robusta ( arabica có hàm lượng cafein là 1% – 1.5% so với robusta là 1.6% –  2.7%). Ngày ngày đọc báo, xem tivi tôi cũng thấy nhan nhản thông tin Việt Nam xuất khẩu robusta với số lượng lớn cho các hãng cà phê đóng hộp (vì nó rẻ hơn arabica), những thông tin này đôi lúc khiến tôi thấy chạnh lòng.

ArabicaRobusta2a_zps7b520b21
(Ảnh: bản đồ phân loại cà phê trên Thế Giới, Nguồn: Internet)

Dù ai nói gì đi nữa, tôi không nghĩ là Việt Nam không thể trồng được arabica.

Câu chuyện về độ cao

Đọc nhiều tài liệu, blog cà phê, tham khảo các cuốn sách chuyên môn và có lẽ ai thích cà phê một tí xíu cũng hiểu được một chân lí rằng: ok, arabica cần trồng ở độ cao nhất định, cao hơn rất nhiều so với giống cây robusta. Nhưng điều đó không có nghĩa là hoàn toàn không thể ở Việt Nam?

avsr1
(Ảnh: độ cao phù hợp với giống cà phê arabica, Nguồn: Google)

Trung bình chiều cao của giống cây arabica có thể phát triển và cho hạt cà phê ngon đúng điệu là 1500m so với mực nước biển. Vì sao? tôi sẽ không nói sâu về điều này vì bạn có thể Google ra ngay lý do và kết quả. Điều này cũng có nghĩa là ở Việt Nam, chúng ta có độ cao đó. Fansipan, đỉnh núi nóc nhà của Việt Nam cao 3.143m (tương đương 10.000 feet), nghĩa là gấp đôi độ cao “ngon” nhất của hạt cà phê arabica. Vậy do đâu mà trên đất nước tôi vẫn nhiều cà phê robusta đến thế?

Suy nghĩ thoáng qua của tôi thì không phải những người làm cà phê của Việt Nam không biết, thậm chí họ biết rất rõ giá trị của arabica nhưng có thể do nhiều yếu tố khiến họ vẫn trồng robusta như:

  • Qui hoạch
  • Chi phí và chuyên môn cũng như giá trị kinh tế mang lại trong ngắn hạn
  • Thị trường robusta vẫn rộng lớn
  • Rủi ro khi trồng arabica ở Việt Nam (thời tiết, khả năng chăm sóc của người lao động)
  • Diện tích trồng không nhiều, có nhiều núi cao nhưng đa phần là núi đá
  • Kinh phí đầu tư lớn
  • Xuất khẩu robusta vẫn mang lại lợi nhuận và việc làm
  • Ẩm thực cà phê của người Việt và khách du lịch châu Á vẫn thích cà phê có vị mạnh?
  • v.v…. và còn nhiều nữa

Và thế là, sơ đồ hương vị cà phê theo độ cao của giống arabica gieo trồng trên đỉnh núi vẫn không có Việt Nam

altitude

Hương vị và nhận thức

Nhiều chuyên gia cà phê của phương Tây nói rằng, càng lên cao, hạt arabica càng có nhiều hương vị đặc biệt. Nào là hoa quả, nào là vị vani, rồi sô cô la, hạt dẻ, chua thanh, ngọt.v.v.. Vậy sao người Việt “không cảm nhận thấy”, hoặc không quan tâm?

Theo tôi lý do có vài điều nho nhỏ:

  • Thói quen uống cà phê đắng và mạnh lâu năm
  • Không thưởng thức hương vị khác ngoài vị đắng và “sánh” của cà phê?
  • “Nghĩ” rằng cà phê là phải đắng, mạnh mới ngon (có lẽ đây là nhận thức)
  • Đa phần không tìm hiểu về cà phê và chấp nhận hương liệu pha trộn trong cà phê bột là hương thơm mặc định?
  • Cà phê là đồ uống, không phải thứ gì liên quan đến art.
  • Chưa đủ kiên nhẫn để uống “cà phê loãng” cho tới khi thấy nó ngon.
  • Tin rằng bản sắc là cà phê Việt thì phải mạnh, đậm, đắng, tỉnh táo, sánh đặc ..v.v..

Và bạn sẽ được nghe rất rất nhiều lý do nữa của những người luôn tin rằng mình đang bảo vệ bản sắc cà phê Việt, tin rằng robusta là ngon nhất…

dtcoffeeclub
(Ảnh: phân chia hương vị arabica theo độ cao của quá trình gieo trồng, nguồn: Internet)

…Nhưng tôi vẫn tin rằng, cà phê giống như ẩm thực. Chỉ cần bạn mở lòng, sẽ có chỗ dành cho nó, cho sự đổi mới và đón nhận rộng mở những giá trị khác của cà phê, của arabica. Khi thị trường thay đổi, người trồng cà phê cũng sẽ thay đổi. Giống như whisky có lối đi riêng vào lòng người sành rượu châu Á.

Chú thích:

  • Bài viết dùng nhiều nguồn hình ảnh từ Internet, sưu tầm từ lâu và không rõ nguồn gốc ban đầu của ảnh nên tôi không ghi rõ nguồn tham khảo, chỉ ghi chung là Internet.
  • Kiến thức trong bài là sự sưu tầm (còn nhiều hạn chế) của tôi 🙂

Leave a Reply

%d