Taipei, cà phê, và những điều kỳ lạ

Hơn một năm trước đây, khi chúng tôi còn lọ mọ tìm hiểu về Phil Coffee Company ở Bangkok và một số những quán cà phê khác ở thành phố này, tình cờ đọc tiểu sử của những bạn chủ quán, tôi mới nhận ra rằng, có một số bạn dành thời gian học nghề cà phê ở Đài Loan trước khi về Thái để lập nghiệp. Qua đó, phần nào tôi hiểu được sự hình thành về chuỗi các thành phố, đất nước ở Châu Á đang tạo dựng nên vành đai specialty coffee đầy cuốn hút, để rồi, Taipei trở thành sự lựa chọn của chúng tôi trong dịp nghỉ lễ (30/4 – 1/5) vừa qua với gần 1 tuần trọn vẹn ở nơi đây.

Từ những bất ngờ nho nhỏ

Cũng giống như các chuyến đi khác, trước khi đặt chân đến Đài Loan, chúng tôi dành một vài tuần để tìm hiểu về các quán cà phê nổi tiếng ở Taipei (Đài Bắc). Từ những quán được “review” bởi những food blogger nổi tiếng, cho đến những lời khuyên từ trip advisor, coffee guide.v..v. Hơn nữa, khi đã có một danh sách đủ dài, tôi tiếp tục thu gọn lại với những ưu tiên dành cho các quán có những “nhà vô địch” về rang cà phê, hoặc vô địch của cuộc thi barista nào đó.

Chỉ là một quán cà phê nhỏ, rât nhỏ ở khu vui chơi nhưng cũng có chất riêng của mình.

Khi đặt chân đến Taipei, điều đầu tiên tôi nhận thấy là có rất nhiều các quán cà phê nhỏ trên các con phố chúng tôi đi qua. Khác với Bangkok, cà phê ở Taipei không nằm trong những con hẻm vắng hay những phố xá xa xôi, ngược lại, bạn có thể thấy những quán cà phê (đều specialty coffee nhé) ở khắp mọi nơi. Thậm chí, trong con mắt của mình, tôi thấy quán cà phê còn nhiều hơn cả những cửa hàng trà sữa. Có lẽ từ trước tới nay, tôi đã đánh giá sai về văn hoá specialty coffee ở Đài Loan, và với những gì mình trông thấy và trải nghiệm, tôi tin rằng, lịch sử cà phê của Đài Loan không hề đơn giản.

Đài loan không nổi tiếng với những vùng trồng cà phê như Trung Phi hay Nam Mĩ, thay vào đó là những khu trồng trà được quảng cáo trong mọi chương trình du lịch. Trà đúng là thế mạnh ở nơi đây nhưng không vì thế mà cà phê bị áp đảo. Trước khi lên đường, bạn Kenda (Starbucks Vietnam barista championship 2015) có nhắn với tôi rằng “anh may lắm nhé, đợt này đúng dịp kỷ năm 20 năm Starbucks Đài Loan”. Nghe vậy tôi chợt thấy đôi chút bất ngờ, và nghĩ bụng, “vậy chắc cái văn hoá specialty coffee ở đây cũng phải đến 15-20 năm có lẻ rồi ý nhỉ?”. Quả thật, điều này hoàn toàn hợp lý khi bạn có thể nhìn thấy những cửa hàng dù bé tin hin với 20m2 cho đến những quán rộng hàng trăm m2 đều có đầy đủ dụng cụ pha chế, từ manual brew cho tới espresso. Không chỉ có vậy, hầu như thương hiệu cà phê nào cũng tự rang cà phê để phục vụ khách hàng. Đây là một tín hiệu tích cực bởi những quán cà phê có thể tự rang cà phê thành phẩm chứng tỏ họ có tay nghề đủ cứng để tạo dựng thương hiệu cho riêng mình. (Ở Thái, cà phê của ROOTS chiếm lĩnh một thị phần khá rộng ở Bangkok).

Những bức tranh vẽ dạng doodle tại Fujin tree 353 cafe

Ghé thăm những quán cà phê ở Taipei, khách hàng đều có thể thoải mái lựa chọn những gói hạt cà phê rang sẵn, với ngày rang được ghi rõ ràng và đa phần là là cà phê mới rang trong khoảng 1-2 tuần trở lại. Tại đây, chủ quán thường để những mẫu hạt cà phê để bạn có thể mở ra xem, hít hà cái hương của hạt cà phê rang ở mức vừa phải mà không bị nhân viên nào “nhảy đến” làm phiền. Phần lớn những mẫu cà phê ở Taipei trong đợt này được nhập từ Ethiopia và Kenya và các quán cà phê ở đây có một điểm chung là không rang đậm. Mức rang của họ rất vừa phải và phần lớn phục vụ cho cách pha chế sử dụng filter.

Coffee sample để khách kiểm tra mùi hương của hạt cà phê rang sẵn.

Khi đến một đất nước mà tỷ lệ người nói tiếng Anh rất thấp, thì cà phê sẽ vô tình trở thành một ngôn ngữ chính. Với tôi, đó là điều may mắn bởi dù có đi đến đâu thì những từ như cappuccino hay filter, dark/medium roast vẫn được các barista sử dụng để giao tiếp, ghi trên menu của quán để khách dễ dàng lựa chọn. Với những quán “local”, nghĩa là thương hiệu không phải dạng global brand và chỉ phổ biến ở Taipei thì “ngôn ngữ cà phê” là cách tốt nhất để bạn giao lưu với những người có cùng sở thích. Tất nhiên, với những thương hiệu lớn như Fika Fika, Starbucks, All Day Roasting, Fujin Tree… thì đội ngũ nhân viên nói tiếng Anh rất tốt và bạn không hề phải lo lắng gì cả. Nói chung, nếu lần đầu bạn tới Taipei, thì cứ mạnh dạn “cappuccino” sẽ mọi thứ sẽ được “hiểu” và phục vụ dễ dàng :D.

Starbucks ở Taipei cái nào cũng to đẹp và nhiều đồ độc đáo.

Đến những điều kỳ lạ

Là một người yêu cà phê, đến Taipei và lang thang khắp chốn, nếm thử cà phê ở những quán xá nổi tiếng (tôi sẽ viết về những quán cà phê ở Taipei vào những bài viết khác), bạn sẽ phần nào cảm nhận như chúng tôi, một cảm giác hài lòng và thoả mãn với những gì mình tìm thấy ở đây. Khắp những con phố lớn, hay những ngõ ngách nhỏ xíu, luôn có những quán cà phê “đẹp” và “chất” để bạn tha hồ trải nghiệm. Bên cạnh đó, và đăc biệt là lần đầu trải nghiệm cà phê ở nơi này, chúng tôi không khỏi có những bỡ ngỡ, mà để cho chuyến đi thêm phần thú vị, chúng tôi gọi đó là “những điều kỳ lạ”. Không kỳ lạ sao được khi những thứ mà tôi thấy dường như là những trải nghiệm lần đầu tiên trong suốt 5 năm tìm hiểu và du lịch với cà phê của mình. Nếu bạn đi du lịch “với” cà phê như tôi, có thể bạn sẽ thấy những điều sau đây cũng “kỳ lạ” đôi chút:

  • Cà phê ở Taipei có giá khá đắt, nếu không muốn nói là rất đắt, đắt một cách khó hiểu và kỳ lạ. Trung bình giá cà phê ở đây dao động từ 100k VNĐ cho một ly espresso, 150k cho một ly cappuccino và 400k-900k cho một gói hạt cà phê 250gr rang sẵn. Để dễ hình dung hơn, một gói cà phê hạt tại Starbucks Reserve Việt Nam có giá khoảng 330k VNĐ thì ở Taipei sẽ có giá 900k – 1 triệu VNĐ. Tôi có hỏi vài người trong ngành cà phê lý do tại sao nhưng đều không có câu trả lời cụ thể.
  • All Day Roasting, một trong những quán rất nổi tiếng, người xây dựng lên quán này (Berg Wu) nghe đồn là world barista champion và bạn ấy cũng góp phần đưa Taipei vào bản đồ cà phê của những người yêu thích Specialty coffee trên Thế Giới. Khi đến uống cà phê ở đây, dù muốn hay không, bạn sẽ phải order số đồ uống bằng với số người mà bạn đi cùng. Đây là qui định của quán. Chúng tôi đi 2 người lớn, 1 trẻ em nên phải gọi 2 đồ uống cho dù vợ tôi không khát lắm và đã uống rất nhiều cà phê trong ngày.
  • Nếu bạn ghé Fujin Tree coffee, bạn sẽ thấy trong menu có lựa chọn “combo”, và điều này khá thú vị. Combo là từ bạn hay thấy trong các quán đồ ăn nhanh như KFC, Lotteria, v.v.. và ở Fujin Tree, “combo” nghĩa là một ly espresso đi kèm với 1 ly cappuccino. Hiểu một cách đơn giản là khi chiết suất espresso, barista thường đặt 2 ly espresso để “hứng” ra 2 shots, nhưng thay vì cho cả 2 shots đó vào 1 ly cappuccino thì họ sẽ dùng 1 shot mà thôi, shot còn lại để bạn thưởng thức espresso thuần tuý. Đây là cái tôi thích nhất vì có thể thử 02 loại hình pha chế cùng một lúc.
  • Cappuccino ở Taipei không có bánh qui đi kèm, tôi có thử 7-8 nơi nhưng không đâu phục vụ bánh qui khi bạn gọi cappuccino, kể cả Starbucks.
  • Khi bạn mua một gói hạt cà phê rang sẵn, dù ở quán nào đi chăng nữa, người bán cà phê sẽ lấy băng dính dán phần thoát hơi trên gói cà phê lại cho bạn để cà phê không bị bay mùi.
  • Starbucks ở Taipei bán rất nhiều bánh macaron, những loại bánh mà chỉ Starbucks Taipei mới có. Không chỉ có vậy, họ có những bộ cốc, bình tumpler kỷ niệm theo từng năm như 17 năm starbucks Taipei, 18 năm, 19 năm và 20 năm.
  • Hầu như quán cà phê nào ở Taipei cũng trưng cái máy rang cà phê (cớ 2-3kg) ở ngay trước cửa, chỉ có 1 vài quán quá nhỏ (5-10m2) là không thể bố trí dụng cụ này.
  • Khác với sự tưởng tượng ban đầu, tại các quán cà phê ở Taipei, những món snack, hay brunch luôn được phục vụ khá đầy đặn, đủ no cho hai người ăn.
  • Cà phê túi lọc được bán khá phổ biến tại các quán cà phê, tôi có thử mua của Fika Fika và chất lượng khá tốt.

Combo cà phê ở Fujin Tree

Các thương hiệu cà phê ở Taipei cũng không bị gắn liền với màu nâu trầm hoặc màu đen của cà phê. Trái lại, cà phê ở Taipei có nhiều màu sắc đa dạng và có thể nói, cách thiết kế thương hiệu cà phê ở Đài Loan khá đẹp và có bản sắc riêng. Nếu như Fika Fika sử dụng tông màu sáng, với bao bì đóng gói vuông vức thì Cama cafe lại sử dụng tông màu vàng, một màu chủ đạo ở đây, với hình dại diện là chú chó trắng rất ngộ nghĩnh và độc đáo. Fujin Tree thì gắn liền với những gói giấy mà vàng và sử dụng hình vẽ dạng doodle, màu nước còn No worries coffee bar thì đưa ra những hoa văn đầy bản sắc.

Màu vàng đặc trưng cả cama cafe

Những gói cà phê hạt rang sẵn của Fika Fika, với giá không hề rẻ.

Sau cùng, cappuccino ở Taipei không đậm đà như tôi nghĩ. Có lẽ tại hầu hết những quán cà phê ở đây không sử dụng cà phê rang đậm (dark roast) và lượng espresso đủ lớn, đủ đậm như cà phê tại Bangkok. Vị của cappuccino ở đây đa phần là khá “mộc” và không béo ngậy (có có thể do loại sữa họ sử dụng). Nếu ai đã quen với ly cappuccino của INK & LION bangkok (như tôi chẳng hạn) thì sẽ thấy hơi khó uống và không hợp khẩu vị khi nếm thử tại Taipei.

Túi đựng cà phê ngộ nghĩnh của Cama

Vào ngày cuối, trước khi trở lại Việt Nam, chúng tôi cố gắng đến Starbucks Reserve LongMen store, một trong những quán rất nổi tiếng tại Taipei nhưng rất tiếc là không thể tìm được chỗ ngồi. Nếu có dịp đến Taipei, và nếu yêu thích cà phê, bạn hãy dành thời gian cho mình đến những nơi cần phải đến, ghé những quán cà phê cần phải thử ít nhất một lần, bởi lẽ, cà phê ở mỗi đất nước tuy có những điểm chung nhưng cũng có những điều khác biệt. Nó (cà phê) luôn được bản địa hoá, thay đổi và phục vụ để phù hợp với văn hoá cùng vùng đất đó. Cảm ơn và hẹn gặp lại Taipei.

Viết cho chuyến đi Taipei, tháng 04/2018

Những quán cà phê đã trải nghiệm ở Taipei

  1. Fika Fika Coffee
  2. Cafe De Gear
  3. Cama Cafe
  4. Starbucks Reserve Taipei 101
  5. Starbucks QSquare
  6. No Worries Bar Coffee
  7. Coffee DPT
  8. All Day Roasting
  9. Fujin Tree 353 Cafe

Ghi chú

4 comments

  1. […] văn hoá cà phê specialty coffee mà chúng tôi đã đặt chân đến. Đó là Đài Loan (thành phố Taipei) và Nhật Bản (thành phố Osaka, Kobe, Nara, và Kyoto). Ở hai vùng đất này, cà phê […]

  2. […] Mặc dù vậy, có những nước mà cà phê đắt tới mức ‘khó hiểu’ như Đài Loan, Hong Kong chẳng hạn. Một số nước có nền văn hóa cà phê phát triển mạnh […]

  3. […] 06/2016, Berg Wu, một barista đến từ Taipei, Taiwan lên ngôi vô địch cuộc thi Barista Champion Thế Giới (WBC) tại Dublin, Ireland […]

  4. […] Mặc dù vậy, có những nước mà cà phê đắt tới mức ‘khó hiểu’ như Đài Loan, Hong Kong chẳng hạn. Một số nước có nền văn hóa cà phê phát triển mạnh […]

Leave a Reply

Discover more from Seed to my soul

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading