Cà phê Costa Rica thì tôi đã uống nhiều, từ các quán specialty coffee rang vừa cho tới Starbucks dark roast. Tuy nhiên, khi nghe qua cái tên Hacienda Alsacia thì tự nhiên ngẩn ra không hiểu nó từ đâu tới? Loại cà phê này được sở hữu và sản xuất bởi ai? và tại sao nó lại đặc biệt vào mùa hè này?
Costa Rica Hacienda Alsacia là gì?
Chính thức ra mắt tại một số quán cà phê Reserve* của Starbucks vào ngày 07 tháng 03, 2018, Hacienda Alsacia được biết đến là trang trại cà phê (coffee farm) duy nhất sở hữu bởi Starbucks hiện nay. Đây cũng là nơi được Starbucks mở cửa đón khách ghé thăm (còn gọi là visitor center) và trải nghiệm các qui trình gieo trồng, xử lý, sản xuất cà phê của họ. Ở thời điểm viết bài blog này, cá nhân tôi cũng chưa thấy loại hạt cà phê này được rao bán rộng rãi tại các cửa hàng Starbucks Reserve ở Đông Nam Á, có lẽ một phần do sản lượng, và một phần hãng Starbucks đang tập trung vào những thị trường mục tiêu quan trọng hơn. May mắn thay, trong chuyến đi Taipei vào cuối tháng tư, đúng vào dịp kỷ niệm 20 năm Starbucks có mặt tại Đài Loan nên Costa Rica Hacienda Alsacia được chọn làm sản phẩm quà tặng, và chúng tôi đã không bỏ lỡ cơ hội này.
Cũng giống như những dòng cà phê Starbucks Reserve, Costa Rica Hacienda Alsacia được rang đậm và thơm mùi béo ngậy của kẹo bơ, cocoa và phần nào đó là milk chocolate theo như lời của nhà sản xuất. Gói cà phê được thiết kế với màu xanh truyền thống của Starbucks, đựng trong hộp sắt đồng màu đi kèm với một cuốn sổ tay giới thiệu. Tuy nhiên do là sản phẩm định hướng cho thị trường người Hoa nên toàn bộ thông tin và tài liệu đi kèm đều được in bằng tiếng Trung khiến cho cách duy nhất bạn có thể tìm hiểu về sản phẩm này là thông qua “ngôn ngữ của cà phê” ;).
Đầu tiên, để tìm hiểu về dòng cà phê này, tôi cố gắng đọc từ những giới thiệu của Starbucks và có được một số thông tin thú vị như sau:
- Hacienda Alsacia là trang trại được Starbuks mua và sở hữu từ năm 2013.
- Địa điểm: Central valley, Costa Rica
- Giống cà phê: lai tạo giữa các dòng Catuai, Caturra, Villa Sarchi, Costa Rica 95.
- Cách xử lý: Fully wahsed. (xử lý ướt)
Như vậy, có thể thấy đây là giống cà phê lai tạo kết hợp giữa nhiều loại cà phê khác nhau (varietal) và hứa hẹn sẽ cho ra hương vị phức hợp đầy tò mò mà hứng thú. Bên cạnh đó, tôi có một niềm tin rằng đây là loại cà phê đáng để nếm thử bởi nó được chọn làm quà tặng cho một dịp lễ đặc biệt. Vậy với cà phê Alsacia, chúng ta nên chọn loại pha chế nào?

Mở gói và lấy 16gr cà phê. Cũng giống như những dòng cà phê Starbucks Reserve, Costa Rica Hacienda Alsacia được rang đậm và thơm mùi béo ngậy của kẹo bơ.
Quá trình nếm thử
Giống như lần thử nghiệm với dòng cà phê Đà Lạt, khi pha chế và nếm thử Hacienda Alsacia, tôi lựa chọn French press như một giải pháp an toàn. Tại sao? Đơn giản là với French press (cũng là dụng cụ yêu thích của Howard), cà phê rang dạng dark roast (một trong những kiểu rang phổ biến của Starbucks) sẽ không bị đắng ghắt và cho ra vị ngọt, mịn và cân bằng. Nếu như bạn thích vị dark chocholate và cảm giác trơn tru trong miệng (smooth & clean taste) thì bạn có thể thử thêm với V60 nhé.
Để chuẩn bị, tôi chọn French press nhỏ, khoảng 2 cups và rất phù hợp cho lượng cà phê 16gr. Khi pha số lượng ít, bạn cũng cần điều chỉnh tỷ lệ nước đôi chút sao cho phù hợp với dụng cụ pha cũng như khẩu vị của mình. Có thể tham khảo cách pha của tôi như sau:
- French press loại bodum, 2 cups
- Lấy 16gr cà phê, xay thô.
- Đun nước và chờ cho nhiệt độ xuống khoảng 90oC cho lần pour đầu tiên, sau đó là 80oC cho lần pour thứ 2.
- Tỷ lệ nước và cà phê là 1:16, một tỷ lệ yêu thích của tôi.
Như vậy, với 16gr cà phê, và tỷ lệ 1:16, tôi pha chế được 256ml hỗn hợp cà phê và nước. Thời gian pha chế khoảng 3:50′ đồng hồ cho ra một đồ uống có vị khá “lạ lẫm”. Lạ ở đây chính là độ chua nhẹ của dòng cà phê này mặc dù nó không có trong ghi chú (taste note) về khẩu vị. Độ ngọt cũng không nồng và đậm như dòng Jamaica hay Columbia. Nhìn chung, ở cấp độ rang đậm, Hacienda Alsacia cho ra một hương thơm nhẹ của chocolate đen và vị ngọt dịu, chua thanh khác biệt với các dòng dark roast khác của Starbucks.
Bên cạnh đó, mặc dù pha chế với tỷ lệ ít nước hơn tiêu chuẩn của SCA, cũng như là dòng cà phê rang đậm, nhưng khi thử pha trộn cà phê với sữa hạt thì kết quả không được như ý muốn. Vị của dòng cà phê này dễ dàng bị “đánh mất” bởi vị của sữa. Có lẽ chính vì vậy mà với Starbucks, những loại cà phê như Sumatra, Espresso roasted sẽ phù hợp để pha trộn với sữa hơn.
Kết luận
Để có thể bình luận chính xác hơn về loại cà phê này, chắc sẽ cần thêm một vài lần thử nghiệm với V60 hoặc French press ở những nhiệt độ và tỷ lệ khác nhau nhưng có thể rút ra một điểm nổi bật là: dòng cà phê này có nét tương đồng như vị chua của Honduras, rất nhẹ và thanh, cũng như không bị cái “đắng” đặc trưng của các dòng cà phê Starbucks. Vị chua của Hacienda Alsacia cũng là sự pha lẫn của nhiều cảm nhận với cá nhân chúng tôi mà nếu như muốn định nghĩa nó, tôi sẽ cần nhiều thời gian hơn nữa. Cảm nhận ban đầu và cho tới lúc kết thúc của 1 ly cà phê Hacienda Alsacia là sự nhẹ nhàng, thơm ngậy. Nó không có sự bất ngờ như lần đầu nếm thử cà phê Đà Lạt, nhưng nó cũng đủ hay ho để bạn không phải thất vọng.
Hà Nội, 05/2018
Thông tin thêm:
Ghi chú
Green 🌴