Gia tài bé nhỏ

Có lẽ đối với nhiều người, tài sản quí giá nhất là một căn nhà, hay một chiếc xe hơi hoặc một tài khoản với số tiền lớn trong ngân hàng.. nhưng với vợ chồng tôi thì đó là một góc trong khu bếp với những dụng cụ pha chế cà phê được đặt ngay ngắn trên kệ, những gói cà phê nguyên hạt của những nhà rang cà phê khắp vùng Đông Nam Á, những chiếc cốc với đủ kích thước, những chiếc bình lớn nhỏ… Tất cả được gom về sau những chuyến đi dài, những hành trình tìm kiếm, bằng những mối dây liên kết từ những người yêu cà phê ở các nước láng giềng.

Bộ cà phê pha French press

Bộ cà phê pha French press

Chúng tôi đến bên nhau vào một ngày hè 7 năm về trước, gặp nhau tại một quán cà phê trên phố cổ Hà Nội. Ngày ấy, đi uống cà phê là cái cớ để chúng tôi được gặp nhau, được trò truyện và chia sẻ với nhau những suy nghĩ về cuộc sống. Cho đến ngày cô gái ấy đi du học, tôi dúi vào tay bạn gái mình một cuốn sách mà tôi yêu thích, và cũng chỉ mong rằng nó giúp cô ấy giải trí trong mấy tiếng đồng hồ trên máy bay, giúp quên đi những mệt mỏi trong một không gian chật hẹp. Đó là lần đầu tiên chúng tôi đọc “Dốc hết trái tim”. Là lần đầu tiên mà hai đứa cùng đọc say mê một cuốn sách, chẳng phải truyện ngôn tình hay tiểu thuyết gì chứa đựng triết lý sống sâu xa. Chúng tôi đọc một câu truyện về một người đàn ông đã dành cả đời mình cho một công ty, một thương hiệu cà phê mà ông gây dựng từ con số 0 cho tới ngày nó trở thành công ty cà phê lớn nhất Thế Giới. Đó là Howard Schultz. Hồi ký của Howard kể về cuộc đời ông, về niềm đam mê bất tận với những hạt cà phê Sumatra đậm đà hương vị, về những năm tháng lê la khắp các quán cà phê nước Ý, theo dõi cách uống cà phê của người Ý, từ cách chiết suất một ly espresso cho tới cách uống cappuccino mà không dính bọt sữa lên khoé miệng. Thế nhưng, cuốn sách ấy không khiến chúng tôi gắn mình với quán cà phê Starbucks nhiều hơn mà nó trở thành nguồn cảm hứng, thôi thúc hai người tìm hiểu về loại hạt cà phê mà cả thế giới đều tôn vinh: arabica.

Bộ KINTO Japan dùng để pha pour over

Bộ KINTO Japan dùng để pha pour over

Từ ấy, dù ở Hà Nội hay Singapore, Bangkok, đi bất cứ nơi đâu, chúng tôi cũng cố gắng tìm cho mình những quán cà phê ưng ý, những coffee roaster chân chính, những nơi nhập khẩu cà phê arabica trên khắp thế giới và rang với kỹ thuật đặc trưng riêng của mình. Có một thứ gì đó khiến chúng tôi đang đi ngược lại với “truyền thống” uống cà phê pha phin của người Việt. Khi mà 90% người dân trên toàn lãnh thổ Việt Nam đang hàng ngày uống và tôn vinh thứ cà phê sánh đặc, đăng đắng, ngầy ngậy được pha chế nhỏ giọt qua những chiếc phin bằng thép không gỉ, thì chúng tôi lại mải miết đi tìm thứ cà phê không đắng, một thứ cà phê mà ngoài hương vị nguyên bản của nó, bạn còn có thể tìm thấy hương cỏ cây, đất trời, hoa lá, có thể thấy vị cam, cherry, nho đen hay cocoa ngọt dịu. Chúng tôi tìm đến những ngóc ngách ở phố phường Bangkok, gặp những người yêu cà phê, trao đổi và sưu tầm những dụng cụ truyền thống, cứ sải bước cho những chuyến đi, bởi chúng tôi tin cà phê mang trong mình nhiều điều hơn thế. Chúng tôi có một niềm tin mãnh liệt rằng đằng sau mỗi loại hạt arabica là một câu truyện về hành trình đi xuyên qua đại dương và thềm lục địa, mỗi dụng cụ pha chế truyền thống đều kể về lịch sử và văn hoá của một dân tộc gắn liền với nó. Như một mạch ngầm văn hoá chảy theo suốt chiều dài phát triển của loài người, từ Nam Mỹ, tới châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ, Nhật Bản và cả Việt Nam mình. Cà phê có thể kể cho bạn nghe về cuộc đời những người nô lệ, về những đồn điền, những giọt mồ hôi, những năm tháng thuộc địa, những cánh buồm căng theo gió vượt biển, hay những chuyến xe nặng trĩu sớm hôm.

V60 Sứ của Kalita và bình Coffee Serve của Tiamo

V60 Sứ của Kalita và bình Coffee Serve của Tiamo

Món quà đầu tiên mà vợ tặng tôi sau khi hai đứa về một nhà là một chiếc hộp xay cà phê bằng gỗ, có phễu kim loại ở phía trên và lõi xay bằng sứ (Ceramic Burr Coffee Hand Grinder). Cô ấy nói với tôi rằng, cà phê không chỉ được thưởng thức sau khi pha chế, mà ngay cả lúc vỡ vụn trong vòng quay của cối xay, anh cũng có thể cảm nhận được từng lớp hương thơm của loại hạt này. Sau những tiếng tí tách, lạo xạo, ta có thể thưởng thức và nhận biết mùi của thiên nhiên, từ những nơi xa xôi trên trái đất, tuỳ thuộc vào độ rang, độ cao của quá trình gieo trồng mà ta có thể phân biệt cũng như có được cảm nhận khác nhau. Cứ thế, theo thời gian, mỗi khi có dịp lễ hay ngày đặc biệt nào đó trong năm, món quà của vợ giành cho tôi luôn là những thứ liên quan đến cà phê. Ban đầu là chiếc bình moka pot huyền thoại, giúp tôi có thể tự chiết suất espresso tại nhà, rồi đến bình french press, hay nghệ thuật hơn là siphon. Cũng có khi, hai chúng tôi cất công đi bộ gần một giờ đồng hồ ở Bangkok chỉ để tìm mua bộ Aeropress và những chiếc V60 bằng sứ men rạn. Giờ đây, trong góc nhà, tôi có đủ hầu hết những thứ mình cần để pha chế theo ý muốn. Mỗi món đồ là một kỷ niệm, một câu chuyện của chúng tôi, một gia tài bé nhỏ.

Một trong những dụng cụ pha chế của chúng tôi

Một trong những dụng cụ pha chế của chúng tôi

Mỗi khi đặt chân đến một nơi nào đó, điều đầu tiên chúng tôi tìm kiếm là những quán cà phê với những người chủ có cùng niềm đam mê “sống chậm”. Bên cạnh những chiếc máy espresso chuyên dụng đồ sộ, họ luôn có những dãy kệ bằng gỗ dài với hàng loạt chiếc bình lớn nhỏ: french press, chemex, drip-over… sẵn sàng phục vụ những người yêu thích “slow brew”. Dù là ở nhà, hay ở một nơi nào đó, cà phê truyền thống, với những đặc trưng riêng của mình, luôn là cầu nối giúp chúng tôi có thêm những người bạn mới.

Cà phê sáng tại nhà.

Cà phê sáng tại nhà.

Khi không thể tìm thấy một nơi nào ưng ý với những barista truyền thống và những công cụ pha chế thủ công, chúng tôi thống nhất với nhau rằng: cách tốt nhất là biến ngôi nhà của mình thành một “coffee house” với đủ những loại cà phê khắp nơi trên Thế Giới, đủ loại “đồ chơi” mà mình đã cất công góp nhặt sau những chuyến đi. Mỗi buổi sáng, dù ngày mưa, hay nắng, dù mùa đông, mùa xuân, hay mùa hạ, trong căn nhà nhỏ, chúng tôi luôn bắt đầu ngày mới của mình bằng tách cà phê nóng. Hạt cà phê được xay bởi bàn tay của người chồng, để rồi được pha chế với dòng nước ấm đã được chuẩn bị sẵn bởi người vợ. Chúng tôi vẫn đón chào ngày mới với cà phê, với tình yêu và sự bình yên như thế.

Pour over với bình rót Hario Kettle, Carafe của KINTO.

Pour over với bình rót Hario Kettle, Carafe của KINTO.

./.

Hà Nội, tháng 9/2016

Ghi chú:

 

One comment

  1. […] Mặt khác, việc đạt được sự cân bằng trong cà phê có thể là một thách thức và đòi hỏi sự chú ý đến từng chi tiết. Có thể mất vài lần thử để có được sự cân bằng hoàn hảo và thậm chí sau đó, nó có thể thay đổi tùy thuộc vào các yếu tố khác nhau, chẳng hạn như loại cà phê và phương pháp pha cà phê được sử dụng để pha chế. Đấy là lý do tại sao những người yêu thích cà phê hay barista chuyên nghiệp thường có nhiều dụng cụ pha chế cà phê khác nhau. […]

Leave a Reply

%d bloggers like this: