Đối với những người đã gắn bó với cà phê một thời gian, thì những phụ kiện như nhiệt kế, cân miligram, giấy lọc..v.v.. đều là những thứ rất đỗi quen thuộc. Tuy nhiên, khi bắt đầu giới thiệu về “manual brew” cho một người mới làm quen với pha chế thủ công, mọi thứ trở nên phức tạp và cần có hệ thống hơn.

Chuyện bắt đầu khi những bạn làm cùng công ty tôi tập tành pha chế cà phê, và theo lời khuyên của tôi, họ thử nghiệm với French press. Những tưởng chỉ cần 1 chiếc bình french press là đủ, ấy vậy mà khi giải thích tỉ mỉ hơn, tôi thấy còn rất nhiều thứ phải nói tới mặc dù với bản thân mình, nó là những thứ… hiển nhiên.
Vậy phải bắt đầu từ đâu nếu lần đầu tiên học pha cà phê với french press? Tôi xin được liệt kê những thứ cơ bản nhất mà bạn cần lưu tâm, chuẩn bị cho hành trình sắp tới của mình như sau:
- Mua cà phê: Tất nhiên rồi, trước khi pha chế cà phê, bạn phải mua cà phê đã. Với French press, bạn có thể bắt đầu với cà phê Starbucks hoặc cà phê full-city roasted (rang vừa) ở Kafe Ville, HAN coffee, Chapel, DCodeS… (Những quán cà phê này bạn có thể tự Google) nếu bạn ở Hà Nội. Nếu ở Sài Gòn, mọi thứ còn dễ dàng hơn với Shin, Là Việt, The Workshop, Sài Gòn Specialty coffee..v.v.. Điều bạn cần lưu ý là ngày rang của loại cà phê bạn định mua sao cho nó không quá cũ là được.
- Dụng cụ French press: Đơn giản nó là một bình hãm trà hoặc cà phê, mà ngày nay bạn có thể dễ dàng mua ở các siêu thị hoặc các quán cà phê. Giá giao động từ 100-500k VNĐ tuỳ loại, tuỳ hãng và tuỳ chất liệu. (Cá nhân mình có khoảng 6-7 chiếc đủ chủng loại và chất liệu 😀 )
- Nhiệt kế: Còn có tên gọi là themormeter, dùng để kiểm tra nhiệt độ của nước sôi. Thông thường khi pha chế với với French press, nhiệt độ yêu thích của tôi là 78oC với dòng cà phê dark roast của Starbucks.
- Cân điện tử: Còn có tên gọi là miligram scale, dùng để đo tỷ lệ cà phê và lượng nước rót vào. Với French Press thì tỷ lệ tôi hay dùng là 1:18, nghĩa là với 20 gram cà phê tôi sẽ dùng 360ml nước sôi, rót làm 03 lần như đã hướng dẫn ở đây. Khi đã quen với cách pha chế french press và quen với… chiếc bình french press của mình rồi, bạn sẽ nhìn lượng nước trên bình mà “phán đoán” và không nhất thiết phải dùng cân nữa.
- Đồng hồ đếm giờ: Thông thường thì tôi sẽ dùng đồng hồ “stop watch” trên điện thoại (iPhone cái nào cũng có) để đo thời gian ủ cà phê. Pha chế với French press và cà phê medium – cho tới dark roast thì thời gian ủ của tôi sẽ vào khoảng 40 – 50 giây, và tính từ lúc nước phủ kín bột cà phê.
- Dụng cụ xay cà phê: Bạn có thể dùng máy xay tay (ví dụ như tôi dùng porlex) để xay cà phê khi mình có nhu cầu pha chế, tuy nhiên, thời gian đầu tôi cũng không có dụng cụ xay ở nhà nên vẫn nhờ nhân viên ở Starbucks (hoặc bất cứ chỗ nào bán cà phê nguyên hạt) xay hộ. Lưu ý là bạn nên nói với barista là hãy xay giúp bạn chế độ “thô” (còn gọi là coarse) để về nhà pha bằng bình french press.
- Bình đựng cà phê: Đây là dụng cụ gần như “bắt buộc” dù bạn có lưu trữ cà phê nguyên hạt hay cà phê xay sẵn thì bạn vẫn sẽ cần những bình đựng cà phê. Tôi hay sử dụng bình thuỷ tinh có nắp hút chân không hoặc có gioăng cao su để hạn chế ô xy thâm nhập vào hạt / bột cà phê. Việc này giúp cho bạn giữ được hương vị của cà phê lâu nhất có thể (3-4 tuần với cà phê hạt, và 1-1.5 tuần với cà phê bột). Giá bình đựng cà phê khoảng 100-300k VNĐ tuỳ loại.
- Que gỗ: Dùng dể khuấy cà phê và bạn có thể mua dễ dàng ở siêu thị những gói thìa gỗ / que gỗ chuyên dụng cho cà phê với giá rất rẻ (khoảng 25k VNĐ / gói 100 que). Tất nhiên dụng cụ này không bắt buộc, bạn có thể dùng đũa, hay thìa kim loại để khuấy, chỉ là trông không hợp mắt lắm thôi 🙂
Đọc đến đây, nhiều bạn sẽ bắt đầu thấy thật là lích kích và lắm thứ phụ kiện đi kèm. Mặc dù vậy, khi có một góc tủ nho nhỏ thì những đồ này cũng nằm thật khiêm tốn và bạn chỉ phải đầu tư một lần (với giá phải chăng) mà sử dụng được lâu dài.

Vậy còn bình rót nước thì sao? Khi mới bắt đầu, theo tôi, bạn chưa cần mua bình rót nước mà có thể sử dụng luôn bình đun nước…siêu tốc mà nhà ai cũng sẵn có. Điều này dễ hiểu bởi vì khi pha chế French press, bạn chưa cần phải kiểm soát dòng chảy của nước như khi pha chế Pour over (v60, Kalita wave..v.v..).
Nếu bạn chưa có gì cả ngoài bình French press vừa mua và cà phê mới xay từ tiệm mang về nhà, thì… cũng không sao cả, bạn vẫn có thể bắt đầu pha chế. Bạn có thể vừa pha vừa điều chỉnh và sau một vài ngày hoặc vài tuần, sẽ tìm ra lượng cà phê (ví dụ như bạn dùng một loại thì cố định để đong đếm) và lượng nước phù hợp với khẩu vị của bạn. Cứ thử thôi, vì ngày xưa, tôi cũng bắt đầu ngây ngô như thế 🙂
Hà Nội, 12/2018
Ghi chú: